(Cinet)- Số lượng sản xuất phim lịch sử, cổ trang của Việt Nam còn ít, đầu ra thị trường gặp nhiều khó khăn do sức hấp dẫn, thị hiếu hiện tại. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và một phần lời giải vì sao...?
(Cinet)- Số lượng sản xuất phim lịch sử, cổ trang của Việt Nam còn ít, đầu ra thị trường gặp nhiều khó khăn do sức hấp dẫn, thị hiếu hiện tại. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và một phần lời giải vì sao...?
>>Điện ảnh Việt nam: Vắng bóng phim lịch sử cổ trang (Bài 1)
Theo ý kiến của GS Đinh Xuân Dũng - Ủy viên thường trực hội đồng lý luận phê bình Văn hóa Nghệ thuật Trung Ương từng chia sẻ thì: Điện ảnh không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật, nó là một nền công nghiệp. Nhiều người không hiểu được điều này nên cũng khó để trả lời được câu hỏi vì sao Việt Nam làm phim chưa hay và vì sao dòng phim lịch sử cổ trang còn thiếu... ? Một bộ phim không chỉ phụ thuộc vào diễn viên hay đạo diễn mà để có một bộ phim hay là phải phụ thuộc vào cả một nền công nghiệp điện ảnh với dây chuyền công nghệ đồng bộ, hiện đại gồm một nền khoa học hiện đại với những kỹ thuật tiên tiến nhất…Điều này ở Việt Nam hoàn toàn chưa có.
Như đã nói cách đây khoảng 20 năm, Điện ảnh Việt Nam đã có thời kỳ có những bộ phim lịch sử hay nhưng sau đó dòng phim này lại chìm vào quên lẵng cho đến năm 2010, cùng với sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một loạt các dự án phim lịch sử, cổ trang được lên kế hoạch thực hiện, Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất hào hứng, chờ đợi để được thưởng thức phim lịch sử Việt Nam. Song khi đại lễ 1000 năm Thăng Long kết thúc thì những dự án phim đó cái thì đang thực hiện dở, cái thì đã hoàn thành song không được phát sóng, cái thì phải sửa đổi nội dung…Cuối cùng thì phim lịch sử, cổ trang lại một lần nữa chìm vào hư không. Vì đâu như vậy?
>Những nguyên nhân tác động bên ngoài
Trước Đại lễ hầu như hãng phim được tham gia dự án sản xuất phim đều rất hăm hở cố gắng hết mình để kịp tiến độ. Chưa nói đến kinh phí sản xuất, riêng sức lực và tâm huyết bỏ ra cho một bộ phim lịch sử cũng khó mà cân đo, đong, đếm được. Chính vì thế các hãng phim đều chờ đón ngày “ những đứa con tinh thần” của mình được ra mắt công chúng. Công chúng cũng vô cùng háo hức để đến ngày được thưởng thức “sản phẩm lịch sử Việt Nam”. Nhưng sự chờ đợi đó đã nhanh chóng trở thành sự tiếc nuối và thất vọng vì có quá nhiều sự cố xẩy đến với các dự án phim lịch sử. Phim thì dính kiện cáo khi chưa kịp công chiếu; phim khởi quay được một nửa thì suýt bị dừng, phim phải sửa kịch bản năm lần, bảy lượt để được lên sóng; phim thì chưa công chiếu đã bị dư luận phản đối; phim thì ồn ào vì thay đổi diễn viên….
Long Thành Cầm Giả Ca trở thành đề tài đàm tiếu của nhiều nhà văn hóa khi “ mâm cỗ ngàn năm” chỉ có độc một cô đào hát.
Cảnh trong phim Long Thành Cầm Giả Ca |
Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long là bộ phim lịch sử cổ trang dài 19 tập do công ty Cổ phần truyền thông Trường Thành đầu tư, sản xuất. Đây có thể xem là bộ phim gặp nhiều sóng gió và tác động bên ngoài nhất. Dù mới chỉ đang trong thời gian quay, bộ phim đã bị dư luận ồn ào phê phán, đòi tẩy chay..do bị các nhà sử học chê và phê phán về một vài yếu tố sai lịch sử cũng như tinh thần của bộ phim.
Bên cạnh đó việc dư luận, báo chí mổ xẻ đến từng chi tiết nhỏ nhất của phim, rồi những bài báo chụp cảnh hâu trường bộ phim được tung lên các trang mạng theo đó là sự chỉ trích, bình luận theo hướng tiêu cực của dư luận khiến cho nhiều nhà sản xuất phim muốn “ bỏ của chạy lấy người”.
Phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long...Bộ phim bị phản đối dữ dỗi từ phía công chúng và các nhà sử học. |
>>Những khó khăn, vướng mắc bên trong
Mặc dù những chuyện lùm xùm với nhiều dòng dư luận gây nhiều ảnh hưởng đến việc sản xuất phim nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với những khó khăn vướng mắc từ bên trong ngành sản xuất phim. Với những dự án phim lịch sử cổ trang, đoàn làm phim nào cũng kêu trời vì thiếu trường quay. Phim nào cũng phải dựng bối cảnh từ đầu, đa phần phải di chuyển đến nhiều địa phương để quay. Phim Thái sư Trần Thủ Độ và phim Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long phải sang Trung Quốc thuê trường quay. Chính vì thế kinh phí bị đội lên gấp nhiều lần.
Một góc cung nhà Tần tại Trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc được dựng với kích thước gần như thật. |
Tiếp đến câu chuyện lỗ, lãi cũng là một trong những vướng mắc của các dự án phim lịch sử. Nếu như các phim truyền hình lấy bối cảnh hiệu đại, mức giá trung bình thường dao động từ 200-300 triệu đồng cho 1 tập. Nhưng với phim lịch sử thì khác, giá cho mỗi tập phim rẻ là 450 triệu còn không thì phải lên đến 1,5 tỉ đồng cho một tập phim. Nếu như phim phải thuê trường quay tại Trung Quốc thì giá cho một tập phim lên đến 5 tỉ đồng.( như phim Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long). Với chi phí cao gấp cả chục lần mức giá bình thường áp dụng cho các phim truyền hình hiện nay thì có thể nói đầu tư cho phim truyền hình lịch sử là cuộc chơi quá mạo hiểm. Đó là chưa kể đến so với các phim thị trường thì dạng phim lịch sử rất khó hút khách. Phim truyền hình đã vậy phim nhựa chiếu rạp còn thê thảm hơn nhiều khi kinh phí bỏ ra thì lớn song thu về thì vô cùng gian nan. Với những phim được nhà nước đầu tư như Long Thành Cầm Giả Ca thì bài toán lỗ lãi có lẽ it phải nghĩ đến nhưng với những phim do tư nhân bỏ tiền như Khát vọng Thăng Long thì tiền thực sự là vấn đề. Chi phí cuối cùng của một bộ phim cũng như doanh thu của phim chưa được hãng phim nào công bố nhưng cứ nhìn vào thời gian ra rạp ngắn ngủi của phim ai cũng có thể đoán được phim có thu hồi nổi vốn hay không.
Bên cạnh đó, với lịch sử hào hùng của Dân tộc hơn 4000 năm song kịch bản phim dành cho dòng phim này quá ít, các tư liệu lịch sử liên quan cũng thiếu ...Công cụ hỗ trợ để dựng phim và đóng phim lại càng thiếu, các đoàn làm phim lịch sử đều phải tự tìm cách đặt hàng trang phục và đạo cụ. Trong khí đó ở nước ngoài không chỉ trường quay mà cái gì cũng có sẵn. Lấy ví dụ như ở trường quay Hoành Điếm – Trung Quốc có hẳn 1 cái làng lớn chuyên làm các đạo cụ phục vụ làm phim như súng, gươm, đao, trang phục từ vua đến dân…Ngựa thì lúc nào cũng sẵn hàng trăm con để cho thuê, người dân trong làng ai cũng có thể vào vai diễn viên quần chúng…
Kho đạo cụ diễn với đủ các loại binh khí, gươm, súng... |
Khó khăn vướng mắc nữa của các dự án phim lịch sử đó là diễn viên. Diễn viên phim lịch sử thì phải nắm được cái “chất lịch sử” để diễn, phải biết cưỡi ngựa, cầm gươm, võ thuật…song nếu đòi hỏi như vậy thì ở Việt Nam có mấy diễn viên hội tụ đủ các yếu tố đó?
Một đoàn làm phim đang chuẩn bị cho cảnh quay bên trong cung nhà Tần tại trường quay Hoành Điếm - nội thất bên trong cung được dựng hoành tráng như thật. |
Từ những chi tiết kiến trúc nhỏ nhất đến lớn đều có tại trường quay |
Ngai vàng cũng được dựng lại theo đúng kích thước thật.. |
Chưa hết để có thể có một bộ phim lịch sử cổ trang hay thì không phải chỉ cần có đạo diễn và diễn viên hay có trường quay đẹp, có nhiều tiền mà để có một sản phẩm lịch sử đúng chất thì còn cần có sự góp mặt của cả nhà sử học, nhà văn hóa và nhà biên kịch giỏi. Điều này ít có ở Việt Nam, các dự án phim lịch sử trong thời gian qua chưa thấy có bóng dáng của nhà văn hóa trong đó, còn các nhà lịch sử thì đa phần chỉ đóng vai trò nhà báo khi soi xét các bộ phim..
Một góc trong trường quay Hoành Điếm nơi được chọn để quay bộ phim Lý Công Uẩn..Vì phải thuê trường quay và đạo cụ của Trung Quốc nên bộ phim bị phản đối gay gắt vì giống phim Trung Quốc hơn phim Việt Nam |
Với vô vàn những khó khăn tác động bên ngoài và những vướng mắc bên trong, thử hỏi làm sao Việt Nam có thể có những bộ phim lịch sử cổ trang? Và điều này giải thích lý do vì sao điện ảnh Việt Nam đến giờ này thị trường phim lịch sử, cổ trang vẫn còn bỏ ngỏ. (còn tiếp)
Nguyễn Hương