Tôi say mê đọc cuốn hồi ký "Ðặng Nhật Minh - Phim là đời" do NXB Dân trí xuất bản. Một giọng văn giản dị, khiêm nhường như chính phong cách sống của đạo diễn NSND Ðặng Nhật Minh, không thích ồn ào, khoa trương. Sự hấp dẫn của văn anh là ở chỗ đã thể hiện rõ nét và sinh động quá trình phấn đấu của anh cho một nền điện ảnh dân tộc, cũng như những bước đường phát triển của nền điện ảnh nước nhà.
Tôi say mê đọc cuốn hồi ký "Ðặng Nhật Minh - Phim là đời" do NXB Dân trí xuất bản. Một giọng văn giản dị, khiêm nhường như chính phong cách sống của đạo diễn NSND Ðặng Nhật Minh, không thích ồn ào, khoa trương. Sự hấp dẫn của văn anh là ở chỗ đã thể hiện rõ nét và sinh động quá trình phấn đấu của anh cho một nền điện ảnh dân tộc, cũng như những bước đường phát triển của nền điện ảnh nước nhà.
Ðặng Nhật Minh tự nhận mình 'Không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với điện ảnh' và cũng không có năng khiếu điện ảnh. Thế nhưng, qua những trang viết của anh, lại thấy rằng chính cuộc sống gia đình anh, tư chất của anh và cơ sở xã hội mà anh gắn bó mật thiết, là nền tảng vững chắc cho tài năng điện ảnh của anh phát triển. Một tình yêu tha thiết với văn học nghệ thuật, do từ nhỏ đã 'thuộc Chinh phụ ngâm' và những câu hò xứ Huế. Một gia đình nền nếp luôn luôn quan tâm đến việc học hành của con cháu, coi trọng chữ HIẾU. Tấm gương dấn thân của cha mẹ anh vào con đường cách mạng... Cậu anh - là nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hồng Phong và cũng là người thầy dạy anh về tư duy nghệ thuật như anh đã viết trong hồi ký: 'Bằng văn học, thơ ca, bằng những hình tượng trong ca dao, bằng những phân tích về hội họa, ông đã tập cho tôi cách tư duy bằng hình ảnh, một phẩm chất không thể thiếu của người làm điện ảnh... Chính ông là người đã trang bị để tôi có được một cách nhìn sự vật của riêng mình để rồi từ đó làm công việc sáng tác'. 'Các yếu tố ấy đã cấu thành nên phẩm chất và năng lực của một nghệ sĩ, liên quan mật thiết đến sự thành công của Ðặng Nhật Minh sau này.
Nói về tư chất, có thể thấy rằng, từ những cái nhìn thông thường trong cuộc sống, Ðặng Nhật Minh đã bộc lộ khả năng cảm thụ của một nhà làm phim. Ðó là cái nhìn xoáy vào hiện thực, làm bật lên rồi đọng lại thành những hình ảnh tiêu biểu nhất, cô đọng nhất, gây ấn tượng nhất. Nhìn vào chợ An Cựu trên đường Ðặng Văn Ngữ ở Huế anh viết: 'Có cảm tưởng như gia đình tôi có duyên nợ nào đó từ kiếp trước với cái chợ này, để đến bây giờ cái biển đường phố mang tên cha tôi cứ suốt ngày đau đáu nhìn sang phía cổng chợ.' Nhớ lại một lần theo mẹ vào nhà lao Thừa phủ thăm người cậu ruột bị giặc Pháp bắt vì hoạt động cách mạng, anh viết: 'Một gương mặt hốc hác bầm tím hiện ra sau ô cửa. Tôi giật mình nhận ra cậu Long em mẹ tôi... Cậu tôi cố gượng cười để mẹ tôi yên lòng, rồi cúi xuống nhìn tôi. Hơn 50 năm qua, ánh mắt ấy, gương mặt sau ô cửa xà lim ngày ấy vẫn còn ám ảnh tôi, theo suốt cả cuộc đời tôi. Ðối với tôi, đó là gương mặt của Lương tâm, của Phẩm giá và Nhân cách'. Hình ảnh đọng lại trong tâm khảm anh từ thời thơ ấu về cuộc trùng phùng của cha mẹ sau bảy năm xa cách, rồi hình ảnh cuối cùng của mẹ khi chia tay anh: 'Bà đứng trên nương, ở cuối con đường đất nhìn theo hút bóng tôi cho đến khi khuất hẳn'. Hiện thực đọng lại trong tâm trí cậu bé ngày ấy, đã được nhìn bằng lăng kính của một nhà điện ảnh thật sự.
Một khả năng cần có của một đạo diễn điện ảnh là chọn diễn viên phù hợp với nhân vật. Về mặt này, Ðặng Nhật Minh thể hiện rõ năng lực của mình. Anh không chạy theo tiếng tăm của các diễn viên, không tìm kiếm các diễn viên thời thượng, mà tự ngắm nhìn, suy tư để chọn ra được diễn viên phù hợp nhất với vai diễn. Nhờ sự lựa chọn tinh tường ấy, phim của anh trở nên có hồn hơn, ấn tượng hơn. Ðó là Tất Bình vai nhà báo Vũ trong Thị xã trong tầm tay, Lê Vân vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười, Minh Châu vai Nguyệt trong Cô gái trên sông, Bùi Bài Bình vai Hòa và Lan Hương vai Thủy trong Mùa ổi, Thúy Hường vai chị Ngữ và Tạ Ngọc Bảo vai Nhâm trong Thương nhớ đồng quê... Sự lựa chọn chính xác của anh không những giúp cho nhân vật bộc lộ rõ tính cách, chuyển tải được trọn vẹn ý đồ nghệ thuật của đạo diễn, mà còn như đôi cánh nâng bổng diễn viên lên trong sự nghiệp điện ảnh của mình. Quả vậy, hầu hết các diễn viên từng đóng trong các phim của anh đều giành được những giải diễn xuất cao tại các Liên hoan phim Việt
Ðặng Nhật Minh thường nói rằng mình gặp may. Ðó là yếu tố khách quan. Nhưng bên cạnh những yếu tố khách quan, cần phải có sự vận động tích cực của yếu tố chủ quan, thì thành công mới đến được! Qua những trang viết của Ðặng Nhật Minh, thấy rõ anh đã kết hợp hài hòa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, tư chất nghệ sĩ và kỹ năng nghề nghiệp để tạo cho mình một con đường độc đáo dẫn tới thành công. Chính nhờ vậy, những thành công mà anh gặt hái được là một tất yếu, chứ không phải là sự ăn may. Những điều giản dị mà Ðặng Nhật Minh kể ra cho thấy anh có ý thức phấn đấu như thế nào với nghề. Khi được làm phim, dù chỉ là loại phim tốt nghiệp của học sinh, anh cũng 'vận dụng những kiến thức đã học được qua sách vở, dồn hết tâm huyết cùng các bạn trẻ làm bộ phim'. Có thể thấy Ðặng Nhật Minh đã dám bứt phá khỏi lối làm ăn bao cấp từ lâu, và chủ động, sáng tạo đi trên con đường nghệ thuật. Anh định hướng rõ ràng và kiên định đi theo định hướng ấy. Ðó là không làm những phim theo kiểu 'nghệ sĩ công chức' mà 'chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, mà tôi rung động'. Anh cho biết: 'Tôi bắt tay viết kịch bản phim Bao giờ cho đến tháng Mười xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Ðó là những điều đã có sẵn trong tôi, không cần phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi'. Sau khi viết xong kịch bản Ðừng đốt anh tâm sự: 'Không ai đặt tôi viết và viết xong tôi cũng chưa định gửi đi đâu cả'. Cùng với kịch bản phim Bao giờ cho đến tháng Mười, những kịch bản của anh như Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội - Mùa đông 46, Mùa ổi, Ðừng đốt... đã được ra đời như thế và được xây dựng trở thành những bộ phim có sức lay động lòng người mạnh mẽ.
Ðọc 'Ðặng Nhật Minh - Phim là đời', ta cũng thấy bức tranh chung của điện ảnh Việt
Nhà văn PHẠM VIỆT LONG (