(Tổ Quốc) - Trong danh sách phim truyện điện ảnh dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ XXI có hai phim thuộc đề tài chiến tranh, hậu chiến là Truyền thuyết về Quán Tiên và Nơi ta không thuộc về. Đáng chú ý cả hai phim này đều do hai đạo diễn trẻ thực hiện. Chia sẻ thêm về đề tài phim hậu chiến trước thềm diễn ra LHP Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với đạo diễn của phim Nơi ta không thuộc về - Đặng Thái Huyền.
- Nói đến đạo diễn Đặng Thái Huyền hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đó là một đạo diễn trẻ, lại gắn với phim về chiến tranh. Và trong số 16 phim truyện điện ảnh dự thi tại LHP lần thứ XXI này có sự hiện diện của phim thuộc đề tài hậu chiến "Nơi ta không thuộc về" của chị. Đạo diễn có thể cho biết điều gì thôi thúc chị tiếp tục với phim hậu chiến cũng như bắt tay thực hiện "Nơi ta không thuộc về"?
+ Trước hết, Nơi ta không thuộc về là bộ phim do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất, tôi viết kịch bản và được phân công thực hiện phim. Nhưng tất nhiên, ngoài làm nhiệm vụ thì tôi thật sự yêu thích, tâm huyết về đề tài chiến tranh, hậu chiến.
- Điều gì khiến chị trăn trở và thấy áp lực khi làm một bộ phim đề tài chiến tranh, hậu chiến?
+ Kinh phí. Đó là vấn đề muôn thuở. Phim mà động vào đề tài chiến tranh, hậu chiến là phải có nguồn kinh phí cực khủng. Nhưng Phim Nơi ta không thuộc về được sản xuất với kinh phí không cao, chỉ đầu tư trong hạn mức của một bộ phim tuyên truyền thường niên của đơn vị, vậy nên Nơi ta không thuộc về nhỏ xinh, ít nhân vật, bối cảnh đơn giản. Quan trọng là tập trung vào câu chuyện và những thân phận người hiện diện trong câu chuyện đó.
- Trong phim "Nơi ta không thuộc về", nữ nhà báo quân đội đã sẵn sàng dấn thân về với Thung Ma để tìm lời giải đáp về sự mất tích đầy bí ẩn của 3 cô gái nhờ sự giúp sức của một thanh niên và những giấc mơ. Vậy phải chăng, những sự giúp sức này là một may mắn mà nếu không có thì nữ nhà báo Đông Hà cũng khó có thể tìm và đưa được các cô gái năm xưa "trở về nhà"?
+ Khi bạn xem một bộ phim là bạn chấp nhận bước vào câu chuyện kể của đạo diễn với các nhân vật, tình huống được đặt ra. Nếu không nhân vật này, tình huống này thì sẽ là nhân vật khác, tình huống khác. Quan trọng là xem xong bạn có thấy nó có hợp lý, thuyết phục không, vậy thôi.
- Nút thắt bất ngờ ở Nơi ta không thuộc về ở đoạn kết là các cô gái không phải chết vì bom đạn. Liệu có phải chị muốn nói rằng trong chiến tranh mọi cái chết đều có thể xảy ra mà vẫn ám ảnh, vẫn khiến người còn sống trở về thời bình thấy mắc nợ?
+ Không thể phủ nhận chiến tranh vẫn luôn ám ảnh và là nỗi đau khó phai mờ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nói mắc nợ thì không hẳn, nhưng tôi mượn một câu nói tôi đã từng nghe và rất thích, đại ý là: Chúng ta có thể tha thứ cho quân thù, nhưng chúng ta không cho phép mình lãng quên những nỗi đau mà họ đã gây ra trên mảnh đất này.
- Trong danh sách phim truyện điện ảnh dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ XXI, ngoài Nơi ta không thuộc về còn có phim Truyền thuyết về Quán Tiên của một đạo diễn cũng khá trẻ cùng về đề tài chiến tranh, hậu chiến liệu đây có phải là câu trả lời rằng phim về hậu chiến vẫn sức hút những đạo diễn trẻ đương thời?
+ Tôi nghĩ sẽ còn có nhiều đạo diễn bước vào đề tài này. Và mỗi đạo diễn, đặc biệt là thế hệ đạo diễn trẻ với độ lùi của thời gian, với tài năng, tâm huyết, học hỏi từ nhiều nguồn, họ sẽ có cách kể câu chuyện về chiến tranh, hậu chiến hay và hấp dẫn theo cách của riêng họ
- Phim truyện điện ảnh ngày một thay đổi, đa dạng đề tài, hấp dẫn cách thể hiện… vậy liệu với phim đề tài chiến tranh, hậu chiến theo đạo diễn có cần phải thay đổi?
+ Thay đổi là xu thế tất yếu trong nhiều ngành nghề thuật đặc biệt là Điện ảnh. Phim chiến tranh lại càng cần có sự thay đổi, mới lạ, hấp dẫn, cuốn hút hơn để tiếp cận khán giả trẻ. Họ là những người cần biết và hiểu về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.
- Chị kỳ vọng gì ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI này?
+ Tâm thế của tôi, Liên hoan phim là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp của các đồng nghiệp. Tôi tin là LHP Việt Nam lần thứ XXI sẽ thành công và sẽ bùng nổ nhiều tác phẩm điện ảnh hay, hấp dẫn.
- Chị đánh giá như thế nào về giải thưởng tại LHP Việt Nam và nó có ý nghĩa với chị ra sao?
+ Tất nhiên giải thưởng là điều quan trọng, nó ghi nhận sự nỗ lực và cống hiến của cả ekip trong một thời gian dài vất vả, lăn lộn ăn ngủ với tác phẩm. Nhưng với tôi, thì giải thưởng không phải là mục đích tối thượng. Sự ghi nhận của khán giả cũng đã là phần thưởng của người làm nghề.
Cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn!