• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: “Còn khán giả, chúng tôi còn diễn”

03/04/2010 10:57

Vở cải lương "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" (kịch bản Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa nhận giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2009 (hôm 31-3). Giải thưởng thứ 3 của vở diễn sau HCV và giải đạo diễn xuất sắc nhất Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 càng cho thấy sự thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Lý Thường Kiệt của các tác giả.

Vở cải lương "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" (kịch bản Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa nhận giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2009 (hôm 31-3). Giải thưởng thứ 3 của vở diễn sau HCV và giải đạo diễn xuất sắc nhất Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 càng cho thấy sự thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Lý Thường Kiệt của các tác giả.

Cảnh trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long.Cảnh trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long.

Chúc mừng đạo diễn và Nhà hát Cải lương Việt Nam liên tiếp nhận được những giải thưởng cao nhất với vở "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long". Chị có thể chia sẻ cảm xúc khi đón nhận những giải thưởng này?

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Thời gian vừa qua với tôi thật hạnh phúc khi những nỗ lực của mình cùng cả đoàn đã được bù đắp. Nhớ lại, có biết bao khó khăn khi dàn dựng, những đêm không ngủ trăn trở vì nhân vật, những giọt mồ hôi, nước mắt của anh chị em diễn viên... Vinh dự này thật ý nghĩa biết bao và tôi luôn cảm ơn êkíp tuyệt vời với Phạm Văn Quý (viết kịch bản), NSƯT Ngọc Chi (chuyển thể cải lương), NSND Doãn Châu (thiết kế sân khấu), NSƯT Hoàng Anh Tú (phụ trách âm nhạc), NSƯT Hữu Từ (biên đạo múa) cùng tập thể diễn viên tài năng của Đoàn 2.

Vở diễn có cái tên rất "gợi", vị danh tướng của đất Kinh kỳ được chị khắc họa như thế nào?- Đó là tên kịch bản của nhà viết kịch Phạm Văn Quý. Tôi đọc và tâm đắc ngay. Danh tướng Lý Thường Kiệt được khắc họa ở những góc khuất rất riêng tư trong cuộc đời ông. Tôi không mô tả những chiến công lớn trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của ông mà đi sâu vào bi kịch trong tình yêu, những đấu tranh rất bình thường, để người đời thấy rằng Lý Thường Kiệt là người trung hiếu trọn nghĩa với dân tộc đến hy sinh cả hạnh phúc riêng tư.

Trước đây "Cung phi Điểm Bích" do chị dàn dựng được giải A cuộc thi tài năng đạo diễn trẻ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giải A tác phẩm sân khấu (năm 2007); giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2008). Có vẻ những vở diễn về đề tài lịch sử luôn giúp chị được các giải thưởng cao, nhất là ở đề tài Thăng Long - Hà Nội. "Bí quyết" của chị để chinh phục được khán giả với đề tài khó này?

- Tôi là người may mắn với các giải thưởng. Tôi gắn bó với Hà Nội từ năm 14 tuổi nên rất muốn làm nhiều điều cho Thủ đô yêu dấu. Mảng đề tài lịch sử, nhất là những nhân vật của Thăng Long luôn khó nhưng lại là mảnh đất dồi dào để người nghệ sĩ sáng tạo. Quan trọng là họ phải dồn tâm huyết, đưa cá tính riêng trong những hư cấu để làm "mềm mại" đề tài mà không tổn hại đến lịch sử. Như với vở "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long", tôi đã phải tìm hiểu lịch sử rất kỹ, lang thang đến các đền thờ, quê hương vị dũng tướng để hiểu hơn về con người ông. Trên cơ sở đó mới sáng tạo. Những ngày dựng vở, gần như cả tháng tôi không ngủ được. Câu hỏi, làm sao cho nhân vật Lý Thường Kiệt thật sinh động, hấp dẫn và đến gần công chúng cứ ám ảnh tôi…

Thời gian này, lịch diễn vở khá dày đặc từ ngoại thành Hà Nội đến các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang… Chắc là khán giả sẽ còn được xem nhiều, đúng không chị?

- Đã gần đến ngày trọng đại đánh dấu mảnh đất Thăng Long ngàn năm tuổi, vở diễn này cũng là sự tri ân của đoàn đối với những thế hệ làm nên Thủ đô hôm nay, vì thế chúng tôi cố gắng để giới thiệu với công chúng. Hơn 3 tháng qua, buổi diễn nào cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Chính họ làm cho diễn viên diễn sung hơn, cảm xúc hơn và thích diễn hơn. Còn khán giả, chúng tôi còn diễn! Ngay tối hôm nhận giải, chúng tôi vinh dự đem vở đến đền Ngọc Thụy (Long Biên), nơi thờ Lý Thường Kiệt, dịp kỷ niệm Ngày sinh của ông. Khi kết thúc, có khán giả nắm tay tôi, thốt lên: "Phải trồng một cây ngọc lan ngay ở khu di tích này thôi!". Vậy là hình ảnh hư cấu hoa ngọc lan biểu trưng cho tình yêu tinh khiết, trong trắng của nhân vật do tôi sáng tạo ra đã "tỏa hương" ở mỗi nơi vở diễn đi qua. Với người nghệ sĩ, giải thưởng lớn nhất là sự yêu mến của khán giả!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

 

Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ