• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn Khải Hưng: “Suốt đời chỉ làm phim truyền hình”

26/10/2008 13:36

Tên tuổi của NSND Khải Hưng gắn với những bộ phim truyện truyền hình được giới phê bình đánh giá là hay nhất kể từ khi thể loại này xuất hiện ở nước ta: “Lời nguyền của dòng sông”, “Mẹ chồng tôi”, “Người tình của cha”…

Tên tuổi của NSND Khải Hưng gắn với những bộ phim truyện truyền hình được giới phê bình đánh giá là hay nhất kể từ khi thể loại này xuất hiện ở nước ta: “Lời nguyền của dòng sông”, “Mẹ chồng tôi”, “Người tình của cha”…

Nhiều phim truyện truyền hình do NSND Khải Hưng đạo diễn không chỉ giành được các giải thưởng trong nước mà ông còn nhận được nhiều giải tại các liên hoan phim quốc tế. Không chỉ sản xuất với hàng trăm tập phim mỗi năm, ông còn quản lý hàng loạt các chương trình đã trở nên quen thuộc với nhiều người: “Văn nghệ Chủ nhật”, “Gặp nhau cuối tuần”, “Gala Cười”…

Người mở đầu dòng phim truyện video

Tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội II, Khải Hưng về công tác tại Viện Nghiên cứu máy. Một hôm, đoàn làm phim của truyền hình đến viện, thế rồi ông được “rủ rê” sang truyền hình. 35 tuổi, ông mới đi học đạo diễn ở trường đại học SK&ĐA Hà Nội. Bộ phim truyện trên chất liệu băng từ “Người thành phố” khiến sinh viên Khải Hưng phải loay hoay mất nhiều thời gian để tìm ra các thành phần: âm thanh, ánh sáng, quay nội, quay ngoại, lồng tiếng, hòa âm... sử dụng và phối hợp với nhau như thế. Ra trường, về Trung tâm Nghe nhìn (nay là Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình VTV) với nhiệm vụ làm các tiểu phẩm sinh đẻ có kế hoạch… Rồi Khải Hưng thấy cần phải có gì cho người xem nhân ngày lễ, tết và ông đã đề xuất làm phim truyện truyền hình.

Không lâu sau bộ phim tốt nghiệp, “Đứa con tôi” đạo diễn Khải Hưng đã đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc  1983. Nhưng tên tuổi của Khải Hưng được đánh dấu bằng bộ phim “Lời nguyền của dòng sông”. Bộ phim đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan Phim quốc tế Brucxen (Bỉ) và gây được tiếng vang vì lần đầu tiên một bộ phim làm trên chất liệu băng từ đoạt giải thưởng ở một liên hoan quốc tế. Từ đó, giới làm phim trong nước bắt đầu chú ý tới  loại hình  phim truyện này.

Năm 1994, chương trình Văn nghệ Chủ nhật ra đời, Khải Hưng được giao phụ trách chương trình. Ông nhớ lại: “Tổng giám đốc bảo làm được không, tôi gật đầu nhưng về nhà lại run”. Không run sao được khi chỉ một đạo diễn và một vài người quay phim mà phải đảm nhận gần 50 phim/năm. Ông đến từng nhà, kêu gọi anh em đồng nghiệp ở các cơ sở sản xuất phim truyện nhựa hợp tác. Văn nghệ Chủ nhật tháng đầu phát liền 4 phim do ông đạo diễn:” Mẹ chồng tôi (2 tập), Người tình của cha”… Tiếp đó, “Những người sống quanh tôi” ra đời mở đầu cho dòng phim dài tập. Làm phim trong điều kiện “thiếu thốn tứ bề” và hiện  đã thoát khỏi tình cảnh “ăn đong” nhưng ông  vẫn cho đó là “cuộc chạy đuổi ròng rã 12 năm trời và đến nay vẫn chưa chấm dứt”.

Năm 1995, Khải Hưng được bổ nhiệm làm phó giám đốc, rồi giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Được các hội viên  Hội Điện ảnh tín nhiệm bầu vào ban chấp hành Hội Điện ảnh 3 khóa liền (khóa 4, 5, 6) và giữ chức phó Tổng thư ký Hội khóa 5 và 6. Công việc quản lý ngốn của ông khá nhiều thời gian song ông vẫn  làm phim và  giành được thứ hạng cao tại các Liên hoan  Truyền hình toàn quốc và giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh. “Ngần ấy năm nếu chỉ làm đạo diễn chắc có nhiều phim hay hơn”, ông buột miệng nói.

Người đàn ông nuôi con một mình

Phía sau vị giám đốc có phần chao chát và  nóng nảy, bộc trực ấy là một người đàn ông đa cảm. Cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ để lại cho ông  đứa con trai còn trong trứng nước. Ông  cũng chẳng giấu, rằng được nhiều phụ nữ mê. Mối tình của ông với một nữ diễn viên điện ảnh tên tuổi và từng được kỳ vọng dẫn tới hôn nhân nhưng cuối cùng đã tan vỡ. Bây giờ đã tìm được “một nửa” của mình và đã có thêm một cô con gái xinh xắn nên không muốn nhắc lại chuyện cũ. Ông  cho rằng đó là… cái vòng luẩn quẩn. “Trời đất sinh ra tính khí này thì khó thay đổi. Nếu đầu thai vào kiếp khác thì tôi… vẫn là tôi”, ông nói.

Ngoài công việc làm phim, Khải Hưng còn tham gia giảng dạy tại trường đại học SK&ĐA Hà Nội. Ông muốn truyền những “ngón nghề” tích lũy sau gần 30 năm cho học trò của ông. Sinh viên mê những buổi học của “thầy Hưng” vì những bài giảng luôn bám sát thực tế và từ chính “sản phẩm” của sinh viên. Bài tập tốt nghiệp của sinh viên được ông  phản biện bao giờ cũng là những ý kiến hết sức nhà nghề. Có lần, xem bộ phim tốt nghiệp về một đứa trẻ sống từ nhỏ với bố vì mẹ bỏ ra nước ngoài, lúc đó ông mới biết là phim của Khải Anh con trai ông làm về chính hoàn cảnh của mình. Ông  xúc động thấy con đã trưởng thành. Ông  thương con và chăm sóc theo cách của một người đàn ông, chu đáo nhưng rất nghiêm khắc, thậm chí có phần khắc nghiệt.

“Tháng tới, tôi về hưu và sẽ rẽ sang con đường khác, nhưng chắc chắn là vẫn làm phim. Có những lời mời tôi làm điện ảnh nhưng suốt đời tôi nguyện chỉ trung thành với phim truyền hình”, ông  quả quyết. “Tôi muốn được đối thoại với công chúng chứ không thích làm ra những tác phẩm chỉ để một số người xem”, ông tâm sự.

Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ