Tính đến nay, đạo diễn Lê Quý Dương đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc được bốn năm. Với bốn năm làm việc, không phải là nhiều, nhưng cũng đủ thời gian để anh có thể nhìn lại những con đường tự chọn mà anh đã, đang và sẽ đi…
Tính đến nay, đạo diễn Lê Quý Dương đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc được bốn năm. Với bốn năm làm việc, không phải là nhiều, nhưng cũng đủ thời gian để anh có thể nhìn lại những con đường tự chọn mà anh đã, đang và sẽ đi…
Con đường thử nghiệm
Từ những ngày đầu khi mới về nước, anh đã thể hiện sự tâm huyết mang những làn gió mới lạ vào sân khấu thành phố. Anh liên tục thực hiện những vở kịch mới trên sân khấu Nhà hát Kịch TPHCM như: Huyền thoại cuộc sống, Chợ đời… Tuy nhiên, qua các vở diễn này, tấm lòng của anh với sân khấu dường như chưa tạo được hiệu ứng khán giả như những gì anh muốn.
Vở Huyền thoại cuộc sống mặc dù được anh tìm tòi, sáng tạo, chăm chút, nhưng tuổi thọ và doanh thu của vở rất “khiêm tốn”. Giờ đây, ngồi nhắc lại Huyền thoại cuộc sống, anh thừa nhận khi mới về nước, anh chưa bắt nhịp được với đời sống sân khấu thành phố, lại đưa ra một giá vé khá cao nên khó lòng có được nhiều khán giả.
Sau bước khởi đầu đầy gian nan ấy, không ít người nghĩ rằng Lê Quý Dương sẽ chùng bước, không còn mạnh dạn tiếp tục con đường thử nghiệm. Nhưng thử nghiệm mới chính là Lê Quý Dương, một người luôn thích mạo hiểm, thích khám phá, đi tìm cách làm mới.
Có lẽ, chính tính cách ấy đã thôi thúc anh thành lập nên Trung tâm tập huấn chuyên môn và Giao lưu sân khấu quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Ở trung tâm này, anh tổ chức tuyển sinh đào tạo nhiều chuyên ngành về sân khấu, kể cả chuyện đào tạo, bồi dưỡng vốn ngoại ngữ cho học viên.
Lê Quý Dương tâm sự: “Xu hướng của diễn viên các nước bây giờ là đa năng. Tôi muốn mở ra trung tâm này để đào tạo những gương mặt trẻ đa năng như thế…”. Anh không ngần ngại mời các thầy cô giáo là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia sân khấu trong và ngoài nước tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, ước mong của anh chưa được các học viên đón nhận, bởi hầu hết các bạn trẻ bây giờ luôn nôn nóng “học nhanh, đóng phim, diễn kịch ngay…”.
Anh bộc bạch: Nhiều khi nhìn lại công việc thấy “sao mình cứ tự làm khổ mình vậy, nếu không dành tiền mở trung tâm mà gởi vào ngân hàng, lãi suất mỗi tháng cũng cả chục triệu đồng…”. Nhưng mới đây, trong số học viên bám trụ được với trung tâm, có một học viên, nhận được học bổng đi Mỹ học 2 tuần về chuyên môn đạo diễn. Đó là niềm động viên, khích lệ tinh thần cho cách làm của anh. Vì vậy anh quyết định, tháng 9-2009, trung tâm sẽ tuyển sinh tiếp khóa 2 và anh đặt mục tiêu, mỗi khóa tìm được một vài gương mặt trẻ đa năng, sau mười năm sẽ được hơn 10 người, như thế là quý lắm rồi.
Con đường tiếp cận quốc tế
Đạo diễn Lê Quý Dương đã chủ động đưa đoàn kịch TNT của Vương quốc Anh sang Việt Nam biểu diễn vở kịch cổ điển “Romeo & Juliet”. Mặc dù, đoàn kịch này chỉ có 6 diễn viên, nhưng tất cả đều là những diễn viên đa năng, đáng để các diễn viên trẻ của Việt Nam học hỏi.
Lê Quý Dương hồ hởi cho biết: “Từ đây đến cuối năm, tôi sẽ đưa một số đoàn kịch ở các nước: Đức, Nga, Nauy… sang Việt Nam biểu diễn. Tháng 11-2009, ê kíp diễn viên của Đoàn kịch TNT sẽ trở lại Việt Nam với một vở kịch mới”.
Anh cho biết thêm: “Việc đưa các đoàn nghệ thuật ở nước ngoài vào Việt Nam ít người làm. Cho nên tôi sẽ đẩy mạnh việc này hơn, vừa giúp cho khán giả Việt Nam tiếp cận sân khấu quốc tế, vừa là cơ hội để diễn viên Việt Nam giao lưu với đồng nghiệp các nước”.
Chúng tôi hỏi anh: mải mê với giao lưu sân khấu quốc tế, còn việc làm tổng đạo diễn Liên hoan sân khấu châu Á ở Thượng Hải – Trung Quốc vào tháng 6 – 2009 của anh thế nào; và vở diễn “Người năm 2222” (tác giả Lê Duy Hạnh) do anh làm đạo diễn được biết sẽ qui tụ diễn viên của nhiều nước tham gia có kịp dự liên hoan? “Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 6-6 đến 12-6-2009.
Đến giờ, chúng tôi đã chọn được 19 vở diễn của nhiều quốc gia trên thế giới tham gia, riêng nước chủ nhà Trung Quốc có 5 vở. Còn vở diễn “Người năm 2222” hiện vẫn đang trên sàn tập. Tuy nhiên để có được một vở diễn hoàn chỉnh như ý nghĩ ban đầu là chưa thể. Tôi thừa nhận, đây là một thất bại của mình…” anh bùi ngùi tâm sự.
Trong vai trò là tổng đạo diễn của liên hoan, anh sẽ giới thiệu 3 diễn viên của Việt Nam, cùng 1 diễn viên của Úc – đang tập vở diễn này và cùng tác giả Lê Duy Hạnh sẽ xuất hiện ở liên hoan; đồng thời anh tổ chức những buổi thảo luận về kịch bản với sự tham gia của diễn viên, tác giả, đạo diễn nhiều nước, đưa ra những cách nhìn về “Người năm 2222”...
Có thể nói, với cách nghĩ, cách làm mới lạ, chắc chắn trong tương lai, đạo diễn Lê Quý Dương sẽ còn mang đến những bất ngờ cho khán giả và đồng nghiệp. Những việc làm của anh không nằm ngoài ước muốn sân khấu Việt Nam phát triển và hòa nhập với thế giới, nhưng không hòa tan – được như thế mới là điều đáng quý!
Theo SGGP