• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Thơ mộng, cảm xúc và dữ dội

14/11/2010 14:15

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh - con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư - ngày càng ghi nhiều điểm vào sự nghiệp làm phim của mình, bởi lẽ anh vốn nổi tiếng là đạo diễn thích… khai phá. Ninh nhận xét rằng, làm phim cho tư nhân khó khăn hơn, phải tận tâm tận lực nhiều hơn, nhưng đó cũng là niềm tự hào của người đạo diễn được tư nhân chọn.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh - con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư - ngày càng ghi nhiều điểm vào sự nghiệp làm phim của mình, bởi lẽ anh vốn nổi tiếng là đạo diễn thích… khai phá. Ninh nhận xét rằng, làm phim cho tư nhân khó khăn hơn, phải tận tâm tận lực nhiều hơn, nhưng đó cũng là niềm tự hào của người đạo diễn được tư nhân chọn.

PV: Với những bộ phim anh làm đạo diễn đã chính thức chiếu ngoài rạp, cảm giác của anh như thế nào?

Đạo diễn LƯU TRỌNG NINH: Cảm giác rất khó nói, nhưng sau mỗi buổi chiếu, thấy khán giả hào hứng vỗ tay, tôi nghĩ bộ phim đã chạm đến cảm xúc, tạo được thiện cảm của mọi người – cả khán giả đứng tuổi đến khán giả trẻ.

Thời gian qua, những bộ phim tôi làm đã mang trên mình gánh nặng lớn, bởi khán giả chờ đợi, mong muốn nhiều và khi xem phim không thấy thất vọng vì phim đã đáp ứng được phần nào mong đợi ấy. Tôi thường ăn mặc rất xuề xòa khi dự những buổi ra mắt phim, nhưng bạn bè và khán giả nói với tôi: “Nhìn anh hôm nay cẩu thả nhưng bộ phim không hề cẩu thả”, tôi thấy vui vì nhận xét ấy.

Theo anh, làm phim cho nhà nước và tư nhân có khác biệt nhau lắm không?

- Tính đến nay, tôi đã làm tổng cộng 6 phim nhựa, trong đó có 3 phim làm cho tư nhân. Có hai khác biệt lớn: Làm phim cho nhà nước, mình được tự do sáng tạo tối đa. Còn làm với tư nhân luôn bị hối thúc, buộc trách nhiệm nặng hơn, tận tâm tận lực nhiều hơn. Nói chung là mình bị tư nhân vắt kiệt sức hơn.

Tư nhân làm phim, khi quyết định chọn ai làm đạo diễn họ cân nhắc, đắn đo lắm vì bộ phim không đơn thuần chỉ là nghệ thuật, mà còn là “cơm áo gạo tiền” của họ. Thế nên, làm phim cho tư nhân chịu áp lực, khó khăn hơn so với phim của nhà nước. Nhưng chính khó khăn ấy lại là niềm tự hào của người được chọn. Thật ra, tiêu tiền của ai cũng vậy thôi. Đã là trách nhiệm, thì tư nhân hay nhà nước cũng không xa nhau lắm.

Anh nhận thấy làm phim lịch sử có thật sự khó và anh có tiếp tục làm thêm một phim lịch sử khác?

- Phim lịch sử Việt Nam chưa có tiền lệ, chính điều đó là điều thú vị với tôi chứ tôi không sợ hãi. Khi lịch sử chưa tạo thành ấn định trong khán giả, người làm phim có một khoảng rộng để tự do sáng tạo. Nếu đã có phim lịch sử trước đó rồi, thì phim thứ hai sẽ khó hơn nhiều bởi để vượt qua nó không dễ. Tôi có thói quen, cách nghĩ, cái gì đã làm sẽ để lại sau lưng. Tôi thích tính khai phá và nếu có làm phim lịch sử nữa, tôi sẽ lại tìm cách để khai phá nó. Tuy nhiên tôi luôn giữ lại cho mình dấu ấn riêng trong từng bộ phim, đó là một chút thơ mộng, một chút cảm xúc, một chút dữ dội.

Hình như, trong hầu hết những bộ phim do anh đạo diễn như: Canh bạc, Bến không chồng, Những cô gái Đồng Lộc…, các nhân vật nam chính dường như đều chịu ảnh hưởng ít nhiều “dấu ấn Lưu Trọng Ninh”?

- Điều ấy là đương nhiên. Hầu hết các nhân vật nam chính trong phim tôi đều có dấu ấn cá nhân của chính tôi. Tôi đem tư duy của mình để giải quyết những chi tiết, tình huống xảy ra trong phim và đó chính là dấu ấn, là phong cách riêng của đạo diễn.

Anh tự nhận mình cái gì cũng có một chút dữ dội, thơ mộng…, nhưng theo cảm nhận của tôi, cái chất dữ dội của Lưu Trọng Ninh không phải “một chút” mà là rất nhiều. Đang có một cô vợ trẻ đẹp, một cậu con trai bé nhỏ, kháu khỉnh, anh có nghĩ, đời sống tình cảm của mình đã đến lúc cần bình yên, cần dừng lại?

- Làm gì có kẻ dừng chân giữa đường?! Trời đã sinh ra tôi thế rồi...

Anh đã có kế hoạch làm phim trong thời gian tới? Và đó sẽ là một phim nhựa?

- Dự định thì rất nhiều, nhưng vấn đề ở chỗ “nói trước bước không qua”. Tôi đã nhận bài học này nhiều rồi, thế nên cho tôi được im lặng. Tôi nghĩ, ai chả thích làm phim nhựa. Với tôi khi đã làm, sản phẩm ấy phải xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra.

- Cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục tạo dấu ấn.

 

Theo SGGP

NỔI BẬT TRANG CHỦ