Người ta gọi ông là ông “Phần nông thôn” vì thấy ông có vẻ khoái làm phim về đề tài nông thôn. Đạo diễn bộ phim “Đất và người” lại cho rằng làm phim thành phố mãi cũng chán, quanh đi quẩn lại, mấy cái cảnh nhà lầu xe hơi, rồi anh nhà giàu yêu chị nhà nghèo... Trong khi đó đề tài nông thôn thì còn khối chuyện để khai thác và nếu biết tìm cho mình con đường riêng, đề tài nông thôn sẽ không bao giờ cũ.....
Người ta gọi ông là ông “Phần nông thôn” vì thấy ông có vẻ khoái làm phim về đề tài nông thôn. Đạo diễn bộ phim “Đất và người” lại cho rằng làm phim thành phố mãi cũng chán, quanh đi quẩn lại, mấy cái cảnh nhà lầu xe hơi, rồi anh nhà giàu yêu chị nhà nghèo... Trong khi đó đề tài nông thôn thì còn khối chuyện để khai thác và nếu biết tìm cho mình con đường riêng, đề tài nông thôn sẽ không bao giờ cũ.....
* Bộ phim truyền hình có tên rất lạ “Ma làng” do ông làm đạo diễn hình đã sắp phát sóng chưa ạ?
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Phim xong rồi, thấy đài truyền hình quảng cáo trên tivi, mới đầu thấy bảo phát sóng trong tháng 8 này, nhưng sau lại bảo lùi lại đến tháng 11, 12, tôi cũng chẳng rõ nữa. Chắc là còn phải xếp hàng chờ nhà đài chiếu xong mấy phim nước ngoài.
* “Ma làng” có sợ không thưa đạo diễn?
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Ma làng” không phải là chuyện ma như trong phim kinh dị. Tên phim là “Ma làng” cũng chính là tên của tiểu thuyết cùng tên “Ma làng” của tác giả Trịnh Thanh Phong đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in từ năm 2002.
Tôi đọc cuốn tiểu thuyết này thấy hay quá nên quyết định chuyển thể sang kịch bản phim truyền hình. Cuốn tiểu thuyết chỉ dày 120 trang nhưng tôi và anh Phạm Ngọc Tiến đã chuyển thể thành 19 tập phim truyền hình.
* Từ 120 trang tiểu thuyết thành 19 tập phim, liệu có bị loãng không thưa ông?
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Không, tác giả cuốn tiểu thuyết đã đọc kịch bản, đã xem phim và ông ấy rất đồng tình vì kịch bản không khác tiểu thuyết là mấy mà vẫn giữ nguyên chủ đề, nhân vật, câu chuyện. Chỉ khác là các tình huống được khai thác sâu hơn thôi.
* Với “Ma làng” ông đặt ra vấn đề nóng bỏng gì vậy?
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Vẫn là khoán 10 thôi, nhưng có khác “Đất và người” ở chỗ đây là bối cảnh nông thôn miền núi. Do ở miền núi thời kỳ đó có rất nhiều đất khai hoang, nhiều quả đồi bị bỏ không nên mầm mống của khoán chui đã nảy sinh từ đây.
Cơ chế bao cấp đã tạo điều kiện cho một số kẻ lợi dụng để mang lại lợi ích cho mình, cho dòng họ mình. Nhân vật Tòng trong phim từ một anh thư ký uỷ ban bằng mọi cách đã ngoi lên chủ tịch xã và đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để tước đoạt quyền lợi, chèn ép người dân và những dòng họ khác để chiếm vai vế, thâu tóm quyền hành.
* Có thể nói “Ma làng” đã tái hiện một bức tranh bi đát của nông thôn miền núi trước “đêm trở dạ” để bước sang thời kỳ mới?
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đúng, xã hội nông thôn lúc đó là một bức tranh bi đát. Đó là cơ chế của một kẻ lộng quyền. Và bộ phim cũng muốn lột tả bộ mặt nông thôn của cả một thời kỳ chìm trong bóng tối.
Trong đó có một Chí Phèo kiểu như Chu Văn Quyềnh, rồi nhân vật Khôn Ló – một mụ đàn bà chửa hoang, chuyên bẻ ngô trộm, sống bằng nghề ăn cắp vặt, gặp ai cũng chửi tạt đi, đặc biệt là “con mẹ này” cứ nhằm vào ngô của cán bộ xã mà bẻ, tóm lại nhân vật này cũng là một dạng Chí Phèo.
Thâu tóm cái làng này là một tay chủ tịch xã ham quyền hám lợi chèn ép người dân. Và ngọn lửa đổi mới chỉ đến khi có một anh bộ đội đã thuyết phục được những người dân, kể cả những kẻ lưu manh trong làng, mở ra cơ chế mới.
Đây là “đêm cuối cùng của mùa đông”, “đêm trở dạ” trước thời kỳ mới, đêm mà làng xóm đầy bóng ma, đêm mà người ta bị sống trong tình trạng sương mù mờ ảo.
* Ông vừa nói “ma làng” không phải là ma trong phim kinh dị, vậy “ma làng” ở trong phim ám chỉ điều gì?
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Ở trong làng này, có thằng con ông Tòng chủ tịch, nó bảo: “Bố tao là con ma lớn, tao là con ma nhỏ, còn mấy thằng chú tao là ma trung” - cả dòng họ như một thế lực rất kinh khủng, họ còn đáng sợ hơn cả ma.
Trong phim cũng có một số chi tiết tâm linh làm cho làng này luôn có cảm giác bị ma ám, đâu cũng thấy có ma: hình ảnh con rắn được lặp đi lặp lại trong cái chết oan uổng của bà Lâm – Chủ tịch phụ nữ, rồi bến sông Gáy có nhiều người chết đuối, đặc biệt trẻ con trong làng rất hay chơi các trò ma, chúng đã từng khênh cả một ông đang ngủ trên chõng ra đặt tại bãi tha ma làm cho cả làng đồn ầm lên rằng ông này bị âm binh khênh ra đồng....
Tôi muốn nhấn mạnh những chi tiết này để nói lên một điều rằng tất cả những cái ác sẽ bị giết chết bằng chính những dằn vặt tâm linh?
* Nghe nói đạo diễn cũng khá kỳ công để chọn diễn viên cho “Ma làng”
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Toàn hạng ghê cả đấy. Bùi Bài Bình, anh ấy đóng giỏi lắm, vào vai tay chủ tịch lưu manh, chỉ cần một cái liếc mắt, hay một động tác nhỏ đã cho thấy sự xuất sắc của diễn viên này.
Hồng Sơn nữa, trước đây Hồng Sơn thường vào vai tử tế, chính uỷ chẳng hạn. Bây giờ tôi bảo Sơn thay đổi đi vào vai Chí Phèo làng xem sao. Lúc đầu Sơn đóng không vào, nhưng sau tôi bảo Sơn cạo trọc đầu, mặc một áo may ô màu cháo lòng, đi lại khuyệnh khoạng...
Về sau Sơn diễn say lắm, vào cuộc rất hay và đó là một vai diễn xuất sắc. Hay Kim Oanh vào vai Khôn Ló đanh đá, chuyên ăn cắp vặt cũng rất đạt...
Theo ANTĐ