• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Làm phim về chiến tranh cách mạng là làm phim về số phận dân tộc”

22/05/2010 13:36

Đã từ lâu, NSND Đặng Nhật Minh được công chúng yêu điện ảnh biết đến như là một trong những đạo diễn hàng đầu của đất nước. Ông rất có duyên và từng thành công với khá nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.

Đã từ lâu, NSND Đặng Nhật Minh được công chúng yêu điện ảnh biết đến như là một trong những đạo diễn hàng đầu của đất nước. Ông rất có duyên và từng thành công với khá nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.





Ông tâm sự: “Mấy chục năm gắn bó với điện ảnh, tôi luôn xác định chiến tranh cách mạng là đề tài hấp dẫn và tôi còn theo đuổi đề tài này đến khi không còn khả năng lao động sáng tạo nữa”.   

Phóng viên (PV): Thưa ông, vì sao ông gắn bó với đề tài mà có một số người từng nói rằng “đây là đề tài cũ, khô và khó hấp dẫn đối với công chúng, nhất là công chúng trẻ”?

NSND Đặng Nhật Minh (cười nhẹ): Cũ à? Khô ư? Và cả khó hấp dẫn nữa? Dù không đồng ý với cách nhìn nhận, đánh giá này, nhưng là người trong cuộc, tôi có thể hiểu được “nỗi lòng” của những người làm điện ảnh khi bắt tay vào làm các bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Khi nói về chiến tranh, ai cũng có thể hình dung ra ngay được sự khốc liệt, mất mát của nó cũng như những phẩm chất anh hùng tiêu biểu của bộ đội và nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Nhưng để làm được một bộ phim hay về đề tài lớn này quả là một áp lực và thử thách không nhỏ đối với những người làm điện ảnh Việt Nam thời nay, nhất là đạo diễn.

PV: Từng đạo diễn rất thành công từ bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước và mới đây là bộ phim “Đừng đốt”, ông có thể cho biết kinh nghiệm của mình để làm được một bộ phim hay về đề tài chiến tranh cách mạng?

NSND Đặng Nhật Minh: Mấy chục năm gắn bó với điện ảnh, tôi luôn xác định chiến tranh cách mạng là đề tài hấp dẫn và tôi còn theo đuổi đề tài này đến khi không còn khả năng lao động sáng tạo nữa. Tôi nghĩ rằng, làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng là làm phim về thân phận con người và số phận của cả dân tộc. Muốn hiểu được dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam trong thế kỷ XX, phải hiểu được tâm tư, tình cảm, khát vọng và cả những phẩm chất anh hùng, dũng mãnh, gan dạ của họ trong các cuộc kháng chiến. Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, tôi muốn chuyển tải tới công chúng hôm nay điều đó. Để làm được một bộ phim hay về chiến tranh cách mạng, theo tôi, những người làm điện ảnh phải có sự rung động sâu sắc trước sự hy sinh vĩ đại của những người con Việt Nam đã làm nên lịch sử oanh liệt trong thế kỷ XX. Anh nói yêu điện ảnh dân tộc mà không trân trọng cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta thì làm sao có thể sáng tạo được những thước phim làm lay động tâm can khán giả?

PV: Nhưng tình yêu, cảm xúc mới chỉ là “men say” ban đầu, còn các yếu tố khác...?

NSND Đặng Nhật Minh: Trước hết phải có một kịch bản văn học tốt. Ví như bộ phim “Đừng đốt”, nếu không có cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm làm xúc động công chúng hôm nay, thì chúng tôi không thể làm được bộ phim gây được tiếng vang như thế. Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa, phải có một đội ngũ làm điện ảnh chuyên nghiệp, từ đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ đến tất cả các thành phần trong đoàn làm phim. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng, tâm huyết, yêu nghề, yêu đề tài mình theo đuổi của những người làm điện ảnh vẫn giữ vai trò quyết định nhất. Vì có kịch bản tốt mà người ta không có “men say” với nghiệp thì bộ phim vẫn chỉ hay ở trên... trang giấy.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để “tiếp lửa truyền thống” vào trái tim của người nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ trong điều kiện hiện nay?

NSND Đặng Nhật Minh: Đây là vấn đề lớn đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết của nhiều ngành nên tôi không dám lạm bàn nhiều. Với tư cách là một đạo diễn gắn bó lâu năm với nền điện ảnh cách mạng, tôi chỉ nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn. Để người nghệ sĩ gắn bó với cộng đồng, gắn bó với vận mệnh dân tộc, trăn trở với từng bước đi của đất nước, theo tôi, ngoài việc làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền và có chính sách đãi ngộ hợp lý, chúng ta phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho những người làm điện ảnh, nhất là lực lượng chủ đạo như biên kịch, đạo diễn, diễn viên và quay phim để đội ngũ này không chỉ có tâm, có tầm, mà còn phải có đủ tài tương xứng với công việc đảm trách.

Mặt khác, phải thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết kịch bản về đề tài chiến tranh cách mạng, qua đó lựa chọn được những kịch bản tốt nhất để chuyển tải thành phim. Thêm nữa, các phương tiện truyền thông cần tích cực ủng hộ, quảng bá những bộ phim nghệ thuật chính thống để giúp công chúng có sự nhìn nhận, lựa chọn thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh trong việc thưởng thức bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Đó cũng là một cách động viên những nghệ sĩ chân chính tiếp tục sáng tạo những bộ phim hay về đề tài chiến tranh cách mạng.

PV: Xin cảm ơn ông!







Theo QĐND





NỔI BẬT TRANG CHỦ