Đạo diễn, NSƯT Đặng Xuân Hải tốt nghiệp lớp quay phim và đạo diễn tại trường Điện ảnh Việt Nam; từng là phóng viên quay phim trên nhiều mặt trận ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng từng tham gia đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu có giá trị lịch sử. Ông nguyên là Giám đốc Hãng phim quân đội và hiện đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VII.
Đạo diễn, NSƯT Đặng Xuân Hải tốt nghiệp lớp quay phim và đạo diễn tại trường Điện ảnh Việt Nam; từng là phóng viên quay phim trên nhiều mặt trận ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng từng tham gia đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu có giá trị lịch sử. Ông nguyên là Giám đốc Hãng phim quân đội và hiện đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VII.
Đặng Xuân Hải quê ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước. Từ thời đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh, gia đình ông đều tham gia hoạt động cách mạng với tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Với một ý thức hệ từ dòng tộc, Đặng Xuân Hải ít nhiều chịu ảnh hưởng về nhân cách con người và đặc biệt là ảnh hưởng sâu sắc về tư tưởng trong sáng tác nghệ thuật.
Đạo diễn, NSƯT Đặng Xuân Hải
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Đặng Xuân Hải đã tham gia hàng chục bộ phim tài liệu. Trong đó có nhiều phim ông tham gia với tư cách là quay phim chính: Tập ảnh Thừa Thiên; Vài hình ảnh chiến thắng xuân 1968; Chiến thắng lịch sử xuân 1972; Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy; Chiến thắng lịch sử xuân 1975; Cuộc đụng đầu lịch sử... Và hàng loạt bộ phim tham gia trên cương vị đạo diễn: Thị xã vẫn yên tĩnh; Nước mắt nụ cười; Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn (04 tập); Mùa xuân toàn thắng (04 tập); Cột mốc vàng Điện Biên Phủ… Có thể thấy, xuyên suốt các bộ phim ông đều làm về đề tài chiến tranh, phục vụ giáo dục tư tưởng cho nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận. Nghệ sỹ cũng là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Giá trị lớn lao nhất của những thước phim trên là ở chỗ nó ghi lại được bầu không khí vô cùng chân thực, ghi lại những tình cảm yêu nước mang tính điển hình của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, đó là những thước phim được quay bằng cả mồ hôi và máu, bằng cả trái tim và khối óc của người nghệ sỹ. Vì thế mà đến tận hôm nay khi xem lại những thước phim ấy, ta vẫn thấy rung lên niềm xúc động mạnh mẽ, ta như được trở vềchứng kiến quá khứ của một thời kỳ lịch sử đầy gian truân và hiển hách, trở vềnhững giây phút vô cùng trọng đại đã được nhà quay phim thể hiện qua những cảm xúc thật chân thành.
Đặng Xuân Hải tham gia hoạt động Điện ảnh từ năm 1966. Năm 1967, ông quay bộ phim đầu tiên Tập ảnh Thừa Thiên. Năm 1968, Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước có chiến tranh, đội ngũ làm phim tài liệu (đặc biệt là những người làm phim quân đội) đã kịp thời có mặt trên các mặt trận, phản ánh các cuộc chiến đấu ác liệt qua từng thước phim. Đặng Xuân Hải lúc này với tư cách là phóng viên quay phim mặt trận vào Huế tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân quay nhiều chất liệu quý báu để sau đó làm bộ phim Vài hình ảnh chiến thắng xuân 1968. Ông đã trực tiếp cầm máy quay cảnh kéo lá cờ ở cố đô Huế, quay những trận đánh trong đường phố... Bảy ngày sau ông bị thương nặng trong lúc đang quay cảnh bộ đội tấn công vào sân bay Tây Lộc tại nội thành Huế. Ông nhớ lại: “Khi tôi quay nội thành Huế, gặp phải vô vàn khó khăn và gian khổ... Nhưng đó là điều khó có thể tránh được, khi mà trên tay tôi vừa cầm máy, quay ở một mảnh đất hoàn toàn xa lạ, vừa chạy theo đồng đội của mình, gắng hết sức làm sao để “chộp” được những hình ảnh “đắt” về chiếu cho nhân dân xem...” Đặng Xuân Hải đã chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ chính trị được giao với một tinh thần anh dũng, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ. Để có được mỗi thước phim, người quay phim sẵn sàng trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Đó thực sự là những cố gắng lớn lao của những người làm phim Vài hình ảnh chiến thắng Xuân 1968. Tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973 tổ chức tại Hà Nội, phim đã được trao giải Bông sen vàng và Giải nhất cho quay phim trong bộ phim này.
Năm 1972, sau khi điều trị vết thương, ông cùng các đồng nghiệp tiếp tục vào Quảng Trị quay 2 bộ phim Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy, và Chiến thắng lịch sử xuân 1972 tại mặt trận Thành Cổ - Quảng Trị. Đây là mặt trận ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch xuân hè 1972. Trận chiến kéo dài suốt 81 ngày đêm với những cuộc chiến đấu giành giật liên tục ngày này sang ngày khác. Hình ảnh cuộc chiếnđã được thể hiện khá sinh động qua những thước phim mà ông và các đồng nghiệp ghi được tại chiến trường. Có thể thấy rõ sự thôi thúc về tình cảm và lý trí của những người chiến sỹ mong muốn bằng mọi giá ghi lại những “hình ảnh sống”về những sự kiện nổi bật của trận chiến mà họ đang tham dự, đang mang xương máu của mình ra để thực hiện.
Năm 1975, ông được vinh dự tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày 30/04/1975, Đặng Xuân Hải cùng tổng đạo diễn Trần Việt đã có mặt ở Sài Gòn. Sau đó ông cùng 2 đội quay phim nữa ghi được hình ảnh nội các ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng. Tiếp đó, ông cùng tập thể cán bộ sáng tác của Xưởng phim Quân đội hoàn thành bộ phim Chiến thắng lịch sử Xuân 1975. Bộ phim trình bày một cách khái quát quá trình diễn biến cuộc tấn công và nổi dậy từ trận mở màn Phước Long - Buôn Ma Thuột tiến về Sài Gòn dẫnđến toàn thắng. Phim đã làm nổi bật một cách rõ ràng và chính xác sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và cho người xem thấy được khí thế hào hùng của dân tộc trên cả hai miền trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng lịch sử Xuân 1975 được đánh giá cao không chỉ về ý nghĩa lịch sử, nó còn nổi bật ở giá trị chính luận. Đó không phải chỉ là những ghi chép sinh động những sự kiện diễn ra trước ống kính máy quay, mà trong những cảnh phim này còn chứa đựng tâm hồn, xúc cảm, cách nhìn nhận, đánh giá, thái độ và tình cảm của các nhà làm phim. Với giá trị tư liệu, chính luận và giá trị nghệ thuật, Chiến thắng lịch sử Xuân 1975 là bộ phim tổng kết cả một giai đoạn chiến đấu vô cùng gian khổvà ác liệt. Ông tự hào là đã cùng đồng đội bám sát thực tế các cuộc chiến đấu, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, luôn phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Tại LHP Việt Nam lần thứ IV tổ chức ở Tp. HCM, Chiến thắng lịch sử xuân 1975 đã được trao giải thưởng Bông sen vàng.
Đặng Xuân Hải (phải) cùng đạo diễn Lê Lâm (trái) đang trao đổi kế hoạch quay Chiến thắng lịch sử xuân 1972
Ông tâm sự: “Sau này, khi đất nước thống nhất, tôi không thể nào quên được những giờ khắc mà tôi đã có mặt ở cả 3 mốc quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là: Mậu Thân năm 1968, mặt trận Quảng Trị năm 1972 và cuộc Tổng tấn công năm 1975 để tham gia làm ba phim về ba sự kiện nổi bật đó. Có rất nhiều kỷ niệm trong thời gian làm phim, có cả đổmáu, cả những giọt nước mắt. Đó là 3 bộ phim mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất…”. Sau thành công của những bộ phim đó, đạo diễn Trần Việt tiếp tục mời Đặng Xuân Hải quay bộ phim Cuộc đụng đầu lịch sử. Đây là một trong những tác phẩm lịch sử làm theo sự chỉ đạo của Ban tuyên huấn Trung ương, tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam. Quay xong Cuộc đụng đầu lịch sử thì cuộc chiến đấu bảo vệ hai đầu biên giới xảy ra, Đặng Xuân Hải lại có mặt ở biên giới phía Bắc làm bộ phim Thị xã vẫn yên tĩnh. Tại LHP Việt Nam lần thứ VII năm 1985, tổ chức tại Hà Nội, phim Thị xã vẫn yên tĩnh được trao giải Bông sen bạc và Giải A của Bộ Quốc phòng. Sau Thị xã vẫn yên tĩnh, ông lại quay về biên giới phía Nam thực hiện bộ phim Nước mắt nụ cười (Giải Bông sen bạc LHP VN lần thứ XIX tổ chức tại Nha Trang năm 1990).
Tháng 8/1995, Đặng Xuân Hải được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Hãng phim Quân đội. Mặc dù bận công tác quản lý nhưng ông vẫn tham gia làm một số bộ phim: Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn, Mùa xuân toàn thắng (04 tập), Cột mốc vàng Điện Biên Phủ. Những phim này đều đoạt giải thưởng cao quý trong các kỳ LHP Việt Nam. Năm 2004, Đặng Xuân Hải thực hiện Cột mốc vàng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông kể lại: “Sau khi hoàn thành bộ phim, tôi có mời đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đại tướng đến tham dự buổi chiếu phim. Xem phim xong đại tướng đã phát biểu: Trong các phim làm về Điện Biên Phủ, thì tôi thích bộ phim này”. Cột mốc vàng Điện Biên Phủ đã phân tích, trình bày tương đối đầyđủ, rõ ràng về vai trò, ý nghĩa chiến thắng của Điện Biên Phủ và mưu trí, tài thao lược của hệ thống tướng lĩnh và đơn vị quân đội ta tham gia trận chiến. Cột mốc vàng Điện Biên Phủ như một sự tổng kết của nhiều bộ phim trước đó quay về Điện Biên Phủ. Sự mộc mạc trong cách thể hiện phim đã đem đến cho khán giả những cảm xúc đẹp đẽ. Nó có sức lay động và để lại ấn tượng đẹp trong sâu thẳm con tim khán giả. Tại LHP VN lần thứ XIV tổ chức ở Buôn Ma Thuột năm 2004, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ đã được trao giải Bông sen bạc).
Có thể nói, những bộ phim mà Đặng Xuân Hải thực hiện trong thời kỳ chiến tranh là những tư liệu phục vụ trực tiếp cho công cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, những bộ phim đó còn là bằng chứng lịch sử có giá trị giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau này.
(thanhdoanhanoi.gov.vn)