Mặc dù mới được trình chiếu trong dịp cuối năm 2005 để thăm dò dư luận nhưng bộ phim “Hàng xóm” của đạo diễn Phạm Lộc đã gây được sự chú ý của khán giả. Bằng chứng là có đến 70% khán giả đánh giá phim hay, 80% khán giả đánh giá là phim mới trong cách tìm tòi đề tài và thể hiện.
Mặc dù mới được trình chiếu trong dịp cuối năm 2005 để thăm dò dư luận nhưng bộ phim “Hàng xóm” của đạo diễn Phạm Lộc đã gây được sự chú ý của khán giả. Bằng chứng là có đến 70% khán giả đánh giá phim hay, 80% khán giả đánh giá là phim mới trong cách tìm tòi đề tài và thể hiện.
Phim “Hàng xóm” là một thông điệp dự báo những mối quan hệ mới trong thời kinh tế thị trường, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai làm giàu một cách độc tôn. Dù người xem sau này có thờ ơ với thời cuộc chắc cũng vẫn ấn tượng với cái mới trong dự báo và tính thời sự của phim, đó là chủ trương cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Đưa vấn đề thời sự vào phim nhưng cốt truyện khá hấp dẫn và mạch lạc, chưa kể đến chuyển tải nội dung này, đạo diễn đã khéo léo đan xen những tình tiết hấp dẫn như vấn đề thời trang, diễn viên “chân dài”… Là người quê Hà Tây (Lai Xá, Hoài Đức) nên anh đã chọn làng lụa Vạn Phúc để làm cảnh quay chính cho bộ phim này. Để mềm hóa đề tài được xem là khô cứng, Phạm Lộc đã khá nhuần nhuyễn khi đưa sản phẩm dệt truyền thống vào hiện đại. Đây cũng là một thực tế mà xã hội đang cần, đang là vấn đề thời trang. Nội dung này là phao cứu cánh để diễn viên nhập vai thỏa sức tung hoành về cách ăn mặc.
Ban đầu kịch bản của phim không hoàn toàn dính dáng gì đến vùng quê, cụ thể là quê lụa mà chỉ đơn thuần là phản ánh chuyện phố phường lặt vặt. Chính bởi kịch bản không có tính mới lạ, phát hiện nên đã có không ít đạo diễn từ chối. Nhận được kịch bản này, đạo diễn Phạm Lộc đã thỏa thuận trước với Ban giám đốc của Hãng phim là sẽ viết lại kịch bản và đưa thêm vào bức tranh cuộc sống của làng quê vào phim . Trên cơ sở chủ đạo của kịch bản đạo diễn Phạm Lộc đã mất gần một tháng để hoàn thành kịch bản theo ý tưởng của mình, anh đã nói được những trăn trở của người làm nghề . Ôm đồm là vậy nhưng phim không đơn điệu mà vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được truyền thống của làng nghề nổi tiếng. Thành công của phim “Hàng xóm” ngoài cái tài của đạo diễn còn phải kể đến sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng: Đức Khuê, Diệu Thuần, Chiều Xuân… Phạm Lộc nhận xét: “Đây có thể nói là vai diễn xuất sắc của Đức Khuê và anh đã nhận được HCV từ vai diễn này”. Riêng người mẫu thời trang Thủy Hương, nhà báo Hồ Tú là hai gương mặt diễn viên lần đầu tiên “chạm ngõ” phim truyện nhựa cũng không phụ lòng người xem và cũng mang tính phát hiện của đạo diễn khi chọn diễn viên hợp vai đến vậy.”.
Phim về đề tài nông thôn vốn là sở trường của Phạm Lộc, chẳng thế mà trước phim “Hàng xóm” anh đã có phim “Nhật thực làng Hạ”. Phim nói về một làng quê trước cáng mạng. Làng Hạ có tục chọi trâu. Từ tập tục này, đã trở thành một lễ hội thiêng liêng mang màu sắc tôn giáo. Bao nhiêu chuyện buồn vui, tốt, xấu, tai ương, bất hạnh đã dồn dập xảy ra xung quanh chuyện nuôi trâu, chọi trâu dẫn đến những oán thù truyền kiếp, anh em hại lẫn nhau… Dám làm một phim truyện về cuộc sống của một xã hội đầu thế kỷ là điều táo bạo. Đưa lên phim cuộc sống cách xa thời đại của mình rất nhiều năm, anh phải đọc rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều để dựng được những cảnh phim thời xa xưa. Sau “Nhật thực làng Hạ” thì tên tuổi Phạm Lộc đã thực sự được khán giả biết đến.
Sau “Hàng xóm”, Phạm Lộc đang hối hả chuẩn bị những khâu cuối cùng cho bộ phim do chính anh viết kịch bản và đạo diễn có tựa đề “Đi trong giấc ngủ”, phim về đề tài chống tham nhũng. “Đi trong giấc ngủ” được anh nung nấu từ cách đây 10 năm. Để không đi theo lối mòn của các đạo diễn khác, anh chọn cho mình cách thể hiện rất riêng, đó là không nói về những vụ án chống tham nhũng mà tập trung vào những người trí thức sống trong môi trường tham những. Họ phải tự tìm cách để thích nghi với môi trường ra sao hay tự tìm cách chống lại hiện thực này?. “9 khâu đã hoàn thành được 8, phim sẽ ra mắt trong một ngày gần đây nhất và hứa hẹn nhiều điều mới lạ”, anh “bật mí”.
Trước khi là đạo diễn, Phạm Lộc từng là lính, rồi là diễn viên, thư ký, phó đạo diễn, nên anh hiểu hơn ai hết những vất vả của người đạo diễn, nhất là khi mọi điều kiện làm phim của Việt Nam còn nhiều thiếu thốn và khập khiễng như hiện nay. “Duyên nợ với nghề”- như cách nói của anh, nên Phạm Lộc đã bất chấp những khó khăn để gắn bó với nghề cho dù đôi khi cũng không được “thuận buồm xuôi gió”. Làm phim không nhiều, đôi ba năm làm một phim truyện nhựa, 15 năm trong nghề đạo diễn, anh đã làm được 6 phim truyện nhựa, trong đó có 3 phim anh tự viết kịch bản: “Cạm bẫy tình”, “Nhật thực làng Hạ”, “Đi trong giấc ngủ”. Khi được hỏi trong khi nhiều đạo diễn đổ xô đi làm phim truyền hình vừa nhanh lại vừa có kinh phí nhiều, tại sao anh không làm? Phạm Lộc cười: “Phim truyện nhựa thường đòi hỏi tính nghệ thuật cao, người đạo diễn có cơ hội để thể hiện tài năng của mình. Tôi cũng đã từng làm chung một bộ phim truyền hình với một đạo diễn khác, nhưng có lẽ đó là bộ phim truyền hình duy nhất của tôi”.
Chính bởi yêu nghề nên Phạm Lộc không cho phép mình dễ dãi với nghệ thuật và đặc biệt anh không làm phim theo kiểu “mì ăn liền”- đó cũng là nhận xét chung của nhiều đồng nghiệp và diễn viên dành cho anh, một đạo diễn không trẻ nhưng cũng chưa già.
Q.T (Theo Báo HT)