• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn sân khấu: 40, 50 vẫn...trẻ!

Văn hoá 13/04/2009 17:04

(Toquoc)-Sân khấu Việt bây giờ “kén” người xem, cũng kén luôn cả người đảm nhận vai trò đạo diễn.


(Toquoc)-Sân khấu Việt bây giờ “kén” người xem, cũng kén luôn cả người đảm nhận vai trò đạo diễn. Chắc chắn phải là người có tài năng, nhưng cũng phải là người có kinh nghiệm, đồng nghĩa với việc tuổi đời bét cũng ngót nghét 40, 50 mới có cơ may được “thử” làm đạo diễn. Người trẻ muốn ôm mộng đạo diễn sân khấu, dù tài năng, sáng tạo đầy mình cũng phải ngậm ngùi chờ qua "ải" tuổi tác.

Thế nào là trẻ?

Trẻ và tài năng luôn là hai yếu tố mà bất cứ lĩnh vực nào cũng đề ra, nhưng với đạo diễn sân khấu thì đó lại là một cơn khát. Chính bởi vậy, năm 2007, chúng ta đã phải mở một cuộc thi tìm kiếm đạo diễn sân khấu, tất nhiên yêu cầu phải là trẻ và tài năng. Đó là chưa kể cuộc Liên hoan sân khấu xã hội hóa trước đó, mục đích cũng không ngoài tìm kiếm những gương mặt trẻ tài năng cho sân khấu nước nhà. Tuy nhiên, khi cuộc thi diễn ra, khán giả không khỏi giật mình bởi cái tuổi gọi là trẻ: đạo diễn đang làm nghề tại các đoàn được chốt ở tuổi dưới 40, còn người có tác phẩm đầu tay dự thi lại nới lỏng thêm lên tối đa 45. Kết quả của “tuổi trẻ” ấy là không ít vở được dựng ra chưa thực sự đúng chất “trẻ”, chưa có những bứt phá quyết liệt vốn được ấn định cho tuổi trẻ mà chỉ là những tác phẩm dựng theo kiểu “chỉn chu”, “an toàn”. Thêm một chuyện không kém phần nực cười nữa, để có thể trở thành một đạo diễn “trẻ” được tham dự trong cuộc thi này, một vài người đã buộc phải chọn kịch bản của những người “cầm cân nảy mực” trong đoàn để họ duyệt cho đi.

Một cảnh trong vở "Âm mưu và Tình yêu"

NSND Lê Hùng nổi danh là “ông thầy phù thủy sân khấu phía Bắc” hiện giờ, cũng đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn để được học, được đeo cái mác đạo diễn. 16 tuổi, Lê Hùng học diễn viên ở trường sân khấu, tốt nghiệp, lẽ ra được chọn đi học đạo diễn, nhưng cũng vì trẻ quá nên đành phải ngậm ngùi chịu chuyển xuống Quảng Ninh làm diễn viên. Và mãi 10 năm sau (1982), khi ở cái tuổi không còn trẻ, anh mới chính thức được cử đi học đạo diễn ở Liên Xô. Dù muộn nhưng cơ may vẫn mỉm cười với Lê Hùng. Trong khi không ít diễn viên hiện giờ, tài năng diễn xuất đã quá chín muồi, tuổi cũng không thật còn trẻ, cũng ôm mộng đạo diễn sân khấu, nhưng không phải ai cũng có cơ hội thử. Mấy năm gần đây, thấy lớp diễn viên như Lan Hương, Lê Khanh, Anh Tú, Đỗ Kỷ… đã được đứng ở một vai khác, phó đạo diễn, đạo diễn. Tất nhiên, họ cũng được liệt vào hàng đạo diễn trẻ dù tuổi đời không còn trẻ (đều đã ngoài 40).

Người trẻ chưa được cho cơ hội

Lời tâm sự của NSND Doãn Hoàng Giang rằng “hồi 50 tuổi, người ta bảo tôi trẻ quá, không giao cho tôi cái gì. Tôi chỉ được họ cậy, chứ không được họ tin” nghe thật chua xót. Nhưng đó lại là sự thật đang và vẫn tiếp diễn với sân khấu nước nhà. Người ta không tin vào tài năng cũng như độ chín của những người trẻ hay vẫn còn mang nặng tâm lý “sống lâu lên lão làng”, sợ người trẻ sẽ vượt mình? Không có cơ hội thể hiện mình, người trẻ cũng chỉ biết chờ, chẳng dám kêu than bởi có kêu cũng chẳng được gì. Người ngoài cuộc là thấy lạ, nhưng dám lên tiếng như đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng thì mới chỉ một. Bức thư Lê Hoàng gửi tới một vị giám khảo của Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc năm 2008 vừa rồi đã gây xôn xao dư luận. Lần đầu tiên đã có người đòi quyền lợi cho lớp trẻ: “Trong bất cứ ngành nào của đất nước, chứ chẳng riêng ngành văn hóa, càng không riêng gì ngành sân khấu, lớp trẻ chắc chắn phải là lớp quyết định, lớp tiên phong, do đó là lớp cần lắng nghe và cần có tiếng nói". Tuy nhiên, để có sự chuyển biến, để lớp trẻ được có tiếng nói, đó vẫn là bài toán chưa ai dám giải.

Vở "Biến vĩ của tình yêu" - vở diễn đầu tiên của nghệ sĩ Lan Hương với vai trò đạo diễn

Vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” do Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng lẽ ra mời NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn. Nhà hát đã chờ vị đạo diễn dày dặn kinh nghiệm này khá lâu nhưng rồi vì ông quá bận nên đành giao cho NSƯT Trần Quang Hùng, phó giám đốc Nhà hát làm đạo diễn. Giao trọng trách cho một người trẻ, đây lại được coi là một sự mạo hiểm. Nhưng chính sự mạo hiểm này lại làm nên tác phẩm mà tác giả kịch bản- nhà văn Nguyễn Khắc Phục thấy ưng ý nhất trong đời viết văn của mình. Ông nghiệm ra một điều, rất đáng để các bậc đàn anh trong nghề đạo diễn sân khấu phải suy nghĩ: ”Chúng ta cứ nhìn thế hệ trẻ, cứ tưởng họ rất mỏng về cái gọi là chiều dày giải thưởng nhưng họ đâu có mỏng về văn hóa, đâu có mỏng về cảm hứng và tài năng. Nếu các nghệ sĩ đàn anh cứ chiếm chỗ của họ thì bao giờ lớp này mới được dựng vở. Cho nên đến khi các nghệ sĩ trẻ dựng vở này, tôi mừng vì thực sự họ đã trưởng thành trong bóng tối. Họ có ánh sáng đâu, có ai cho họ ánh sáng để trưởng thành đâu. Nhưng trong bóng tối họ chín dần lên và họ dựng một vở cực kì nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm và chất lượng nghệ thuật rất cao”.

Một nền sân khấu, không thể chỉ trông chờ vào vài ba cây đại thụ mà cần phải có nhiều cây non khác. Nhưng để cây non có thể phát triển toàn diện, đại thụ cũng cần nhường chút ánh sáng. Hãy tạo cơ hội cho lớp trẻ và tin tưởng ở họ, đừng để tới lúc sân khấu nước nhà giống như câu đùa của NSND Trọng Khôi “Khi cần trẻ thì chúng ta đã già, khi cần già thì chúng ta còn trẻ”./.

Khánh Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ