• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn sân khấu trẻ: cần lắm một sân chơi

Văn hoá 27/04/2013 10:57

(Toquoc)-Nếu như ở sân khấu Bắc, nhiều đạo diễn trẻ đến nhà hát chỉ “ngồi chơi xơi nước” như nỗi niềm của NSƯT Tuấn Hải, thì ở sân khấu Nam, đạo diễn trẻ được tung hoành trên chính sân khấu của họ.

(Toquoc)-Nếu như ở sân khấu Bắc, nhiều đạo diễn trẻ đến nhà hát chỉ “ngồi chơi xơi nước” như nỗi niềm của NSƯT Tuấn Hải, thì ở sân khấu Nam, đạo diễn trẻ được tung hoành trên chính sân khấu của họ. Nhưng để có một sức bật trong sự nghiệp thì họ không thể dựa vào một vở diễn ngân sách hay số doanh thu phòng vé, mà cần đến một cuộc chơi chuyên nghiệp – nơi để khoe những sáng tạo, những thể nghiệm, những ý tưởng với bạn nghề.

Đó là chia sẻ của đạo diễn Chánh Trực trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc bên lề Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2013 đang diễn ra tại TP.HCM.

+Đã 5 năm trôi qua kể từ kỳ tổ chức đầu tiên với một thế hệ hùng hậu các đạo diễn sân khấu trẻ tài năng phía Nam được khẳng định, trong đó có Chánh Trực, Lý Khắc Lynh, Thái Hòa, Đức Thịnh…, dư âm của nó đối với anh như thế nào?

-Cho đến nay, liên hoan năm 2007 vẫn là một dấu ấn đẹp đối với anh em đạo diễn trong Sài Gòn. Cũng phải nói là, kỳ liên hoan đó không phải là bàn đạp để các đạo diễn trẻ khi đó thành danh, bởi họ đã có nhiều năm hoạt động sân khấu, có vị trí nhất định trong nghề trước khi tham gia cuộc chơi. Nhưng nó đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của chúng tôi. Anh em chúng tôi đã có một ngày hội được gặp gỡ nhau, được xem nhau, được làm những tác phẩm có sức nặng, được thỏa sức sáng tạo và thể nghiệm mà thông thường bị hạn chế, ràng buộc rất nhiều khi làm các vở diễn có doanh thu.







"Số đào hoa", một vở kịch của đạo diễn trẻ Hòa Hiệp
 

+Với nhiều giá trị như vậy, anh có thể lý giải vì sao kỳ tổ chức thứ hai này lại có quá ít các đạo diễn “sao” tham gia? Vì cuộc thi không còn hấp dẫn hay vì họ ngại thất bại?

-Có rất nhiều lý do, trong đó có cả hai lý do mà bạn nói. Tôi cho rằng hình thức của cuộc thi nó rất quan trọng. Khi mang tên “cuộc thi”, thì sự kiện này hiển nhiên mang tính chất thi thố, cạnh tranh. Trong khi thực tế là thế này: biên độ tuổi theo quy định quá rộng mà khoảng cách chiêm nghiệm về nghề của các đạo diễn lại quá lớn. Một đạo diễn 30 tuổi khác với 25 tuổi, 35 tuổi khác với 30 tuổi, 40 tuổi thì khác hoàn toàn 25 tuổi. Như thế, sự thi thố trở nên không phù hợp. Và các đạo diễn 40 tuổi, đã có bề dày trong nghề, hẳn sẽ ngại tham gia.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng không được quảng bá rầm rộ, cũng như không có những hoạt động phụ trợ đủ sức lôi kéo sự quan tâm của dư luận. Thậm chí ngay trong giới làm nghề ở Sài Gòn không phải ai cũng để ý đến. Tọa đàm quá ít, nội dung của tọa đàm lại không trúng khi mà cuối cùng không chỉ ra xem các đạo diễn trẻ đang đứng ở đâu và con đường sắp tới của họ được gởi mở, định hướng như thế nào.

+Sân khấu Sài Gòn năm nay tham gia cuộc thi với hầu hết là “lính mới” của làng đạo diễn, khác hẳn với lớp đạo diễn của năm 2007. Dường như 5 năm qua, Sài Gòn đã không có thêm một lứa đạo diễn kế tiếp đủ tài năng?

-Tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Một số sân khấu hiện nay rất mạnh dạn giao cho các đạo diễn mới, trẻ dựng các vở và gặt được thành công nhất định như sân khấu Phú Nhuận, sân khấu Idecaf. Tôi cũng nhìn thấy một số cái tên khá triển vọng có mặt tại cuộc thi như Xuân Trang, Diệp Tiên, Lê Quốc Nam… Thị trường sân khấu giải trí vốn sôi động, các đạo diễn trẻ có nhiều cơ hội, nên không phải bi quan hay lo lắng về họ.

Có điều là, làm sao để phát huy được tài năng của các đạo diễn trẻ, làm sao để họ có được một sức bật trong nghề nghiệp.

Khi họ tham gia dàn dựng vở diễn tại các sân khấu, họ sẽ bị cuốn vào guồng quay thị trường. Dĩ nhiên thị trường không phải không tốt. Nhưng lâu ngày, cái thị trường ấy sẽ bào mòn khả năng của họ đi.

Trong khi đó mặt bằng thị hiếu và thẩm mỹ công chúng đang ngày càng có sự chênh lệch lớn. Khán giả bỏ tiền ra mua vé và họ có những đòi hỏi ngược trở lại về chất lượng tác phẩm. Không còn dễ dãi và không phải đa số đều dễ dãi như trước đây.

Nếu không có một sân chơi, một cuộc thi chuyên nghiệp thì họ sẽ không có điểm dừng để chiêm nghiệm, để làm những vở diễn với tiêu chí nghệ thuật được đặt lên trên hết, mà qua đó mới tạo được cú bật trong công việc sáng tạo.

Sân chơi đã có rồi đấy, nhưng đã đáp ứng được nhu cầu thực tế hay chưa thì tôi cho là chưa.

+ Theo anh, liệu có phải việc chạy sô làm phim truyền hình, làm quảng cáo, làm sự kiện quá nhiều của các đạo diễn trẻ hiện nay cũng khiến tay nghề sân khấu của họ đôi khi bị chuệch choạc hay không?

- Tôi cho là không. Bản thân việc làm điện ảnh hay truyền hình cũng là sử dụng các kỹ năng sân khấu. Các bạn làm giỏi sân khấu thì làm phim cũng chắc. Và khi có cơ hội dựng vở sân khấu thì làm vở vẫn tốt. Những người được đào tạo sân khấu căn bản sẽ không bị nhầm lẫn hay chuệch choạc. Trừ phi họ có thái độ làm việc không nghiêm túc, ham chạy theo kiếm sống quá. Ít nhiều đó cũng một thử thách với các đạo diễn trẻ.

Thực ra mà nói, việc chạy sô là tất yếu, bởi ai cũng cần phải kiếm sống. Tuy nói sân khấu Sài Gòn sôi động nhưng chắc là chỉ sôi động hơn miền Bắc và các nơi khác thôi, còn sôi động theo nghĩa có thể nuôi sống được nghệ sỹ thì khó. Nó sôi động một phần là vì nó liên quan đến lĩnh vực giải trí khác, và một nghệ sỹ sân khấu có thể kiếm sống bằng lao động nghệ thuật đa dạng chứ không chỉ ở lĩnh vực sân khấu.

+ Và có phải việc chạy sô đã đánh cắp các đạo diễn Đức Thịnh, Thái Hòa, Lý Khắc Lynh, và cả Chánh Trực ra khỏi sân khấu thời gian qua.

-Thực ra tôi đã chuyển sang công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM 2 năm qua nên cũng xa sân khấu phần nào. Nhưng có một tâm niệm mà tôi cho rằng Thái Hòa hay Đức Thịnh, Lý Khắc Lynh cũng đồng điệu với mình, rằng giờ mà làm một vở diễn thì phải làm cho ra làm, tức là phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư, dù là nghệ thuật hay thị trường thì cũng phải khác với những gì mình đã làm trong quá khứ. Nếu không khác được thì không nên làm. Một tháng có biết bao vở sân khấu ra đời, nếu vở diễn của mình không đến nơi đến chốn mà bị lọt thỏm vào muôn ngàn vở thì cũng ngán.

Nhưng vấn đề là bỏ thời gian ra trong bối cảnh ai cũng phải chạy đi kiếm đồng tiền này không hề dễ dàng.

+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

 

Hoàng Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ