(Tổ Quốc) -Luôn vui vẻ, coi con cái là bạn bè, tôn trọng, chia sẻ và lắng nghe – Đạo diễn Trần Lực đã có nhiều chia sẻ thú vị về cuộc sống, sự liên kết các thành viên trong một gia đình nổi tiếng.
Nhân tháng bắt đầu được nghỉ hè của trẻ nhỏ, tháng của thiếu nhi và tháng của gia đình, phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Lực – “ông bố tâm lý” nổi tiếng nhất trên mạng xã hội Facebook!
“Tôi không lo Bờm mắc bệnh ngôi sao vì nổi tiếng sớm”
- Thưa anh, không chỉ riêng thế hệ bây giờ, nhiều thế hệ từng chia sẻ rằng, họ rất khó có thể nói chuyện với con cái. Với cá nhân anh, việc này có khó không ạ?
+ Ồ, tôi nghĩ chả có gì khó cả, tôi coi đó là chuyện thường ngày, kể cả con lớn của tôi cũng thế vẫn nói chuyện được, với trẻ con ngồi tâm sự, còn với Hoàng (cậu con trai cả) thì đi bar với bố, chén bia chén rượu. Quan trọng nhất là để con coi mình là bạn - tôi nghĩ muốn dậy con thì phải như thế đã và tôn trọng nhau. Bách – cậu bé út nhà tôi thi thoảng nâng cao quan điểm nói là “ông” ấy không thích cái đó, khăng khăng, nó phản ứng rất mạnh mẽ. Ở nhà tôi, bọn trẻ dám thể hiện cái điều chúng thích hay không thích, cãi nhau ỏm tỏi là chuyện thường.
Khi không tôn trọng, ép chúng là bật lại ngay. Tôi chỉ lo, chúng nói “vâng ạ” rồi làm ngược lại mới nguy hiểm.
Đạo diễn Trần Lực có 4 người con và gia đình luôn tràn ngập tiếng cười. |
Còn nói chuyện với con là chuyện cực kỳ đơn giản, đã là quan hệ cha- con thì không có gì ngăn cản được chúng ta không nói chuyện với nhau, đừng dựng lên nó tính thế này thế kia, là bố thì mình phải thế này, thế kia…
Với cậu cả nhà tôi càng lớn thì nói chuyện càng dễ. Nhiều khi muốn làm việc gì thì cậu hỏi bố để tư vấn nhưng có thể ý bố không đúng, cậu so sánh với ý kiến người này người kia và trao đổi lại. Có thể cậu ấy chắc mẩm: ý bố cũng kém thôi nhưng quan trọng nhất: mình là điểm tựa cho con cái khi chúng bị hoang mang, để chúng xả ra.
- Trong một gia đình ba thế hệ sống cùng nhau thì làm thế nào để giữ mãi được sự vui vẻ, không cách biệt thưa anh?
+ Bọn trẻ nhà tôi đi học về là chúng chào ríu rít rồi vào phòng ông lừa lừa, nịnh bợ rồi lấy iPad của ông ra xem, rồi ông cháu chí chóe, chí chóe tự dưng tạo ra một không khí vui vẻ.
Sống giữa các thế hệ có những cái hay như vậy, bản thân mình cũng vậy, nhiều khi tôi theo dõi cũng thấy buồn cười và nhà tôi lúc nào cũng vui vẻ.
Với hình như trẻ con nó phát ra một luồng điện gì đó tôi không hiểu nữa dù cụ đã 93 tuổi nhưng từ khi chuyển về ở với tôi lại toát ra thần thái vui vẻ, da dẻ khác lắm, cách nói chuyện trẻ ra nhiều tuổi.
Anh cũng nổi tiếng mạng xã hội vì là một người cha đã lớn tuổi nhưng rất tâm lý. |
Bố tôi đọc nhiều, minh mẫn, nói về chuyện nọ chuyện kia, trẻ con thì đặt câu hỏi rất nhiều còn ông như quyển từ điển sống của bọn trẻ con.
Ông trả lời được, ông lại kiên trì nữa. Nhiều khi nhà như phường chèo vậy. Khi ăn cơm cả 3 đứa nhỏ mời bố tôi như trong phim chưởng thế là cả nhà cùng cười.
Bố mẹ tôi không ép tôi điều gì cả nên tôi cũng không hướng con cái về ngành nghề, để chúng tưởng tượng về tương lai của chúng như thế nào. Tôi bị ảnh hưởng cách giáo dục hơi nghệ sĩ của bố mẹ tôi chứ không chặt chẽ, khoa học như các gia đình khác. Tuy vậy, nhà tôi trên dưới rất rõ ràng, rất gia giáo nhưng là bình đẳng. Tôi chỉ mong những đứa con sống vui vẻ, hạnh phúc, đáng yêu, không cần nổi tiếng lẫy lừng.
Sau khi tham gia chương trình truyền hình “Bố ơi mình đi đâu thế” lượng fan hâm mộ của Bờm (Trần Tú – cậu con trai thứ 2) rất nhiều, nhưng Bờm không hiểu gì về chuyện nổi tiếng đâu. Mọi người cứ hay bảo tôi lo Bờm nổi tiếng thành sao sớm nhưng tôi chẳng nghĩ ngợi gì vì cậu này lúc nào cũng hồn nhiên, vui vẻ. Có lần, một đoàn các anh chị học rất giỏi được về Thủ đô thăm Lăng Bác và có một nguyện vọng được gặp Bờm. Bằng cách nào đó, đoàn biết địa chỉ nhà tôi rồi đến gặp Bờm. “Ông” ấy e thẹn lắm vì toàn các anh chị học giỏi còn Bờm chỉ học trung bình thôi, và gặp ai học giỏi đều ngưỡng mộ lắm. Nhưng cũng chỉ e dè được một chút sau đó thì Bờm trấn tĩnh lại và nô nghịch với các anh chị vui vẻ lắm.
Bờm là đứa hồn nhiên kinh khủng nhưng lại là cậu bé sống tình cảm và sâu sắc lắm. Cậu ấy hay đọc sách lịch sử, khoa học và cháu chỉ mong bằng một phần của ông.
Khi mẹ tôi mất, bố tôi về nhà tôi ở, Bờm tự xung phong sang nằm cùng ông vì sợ ông ốm hoặc buồn hoặc ông cần gì đó. Nhưng được khoảng 3 tháng thì Bờm về phòng mình bảo… ông ngáy to quá. Kể câu chuyện vui vậy nhưng Bờm ý thức và tình cảm của cu cậu dành cho mọi người trong gia đình rất rõ, yêu thương như thế nào là bộc lộ ngay. Bờm cũng hay kể về những kỉ niệm vui với ông bà và thực sự làm ông dịu đi rất nhiều nỗi đau buồn sau khi bà mất, góp phần cân bằng cho ông.
- Vậy trong gia đình khi dạy dỗ bọn trẻ, anh “ưu tiên cho roi cho vọt” hay “cho ngọt cho bùi”?
+ “Cho ngọt cho bùi hơn”, tình cảm, hài hước nhưng trong gia đình phải có 1 người nghiêm khắc, thoải mái nhưng rất nghiêm khắc, Vợ tôi rất thoải mái nhưng lại là người rất nghiêm khắc. Nếu cô ấy không nghiêm khắc thì tôi phải ra tay thôi. Nhưng cô ấy “ra tay” có uy hơn tôi.
Tôi quát chúng vậy thôi nhưng xong chúng nó lại cười, thế mới bực!
Anh thường viết những mẩu chuyện ngắn đăng tải trên Facebook về những tình huống vui vẻ trong cuộc sống gia đình. |
Con trẻ nhiều khi dạy người lớn nhiều điều
- Chắc chắn một điều là, anh trẻ hơn nhờ lũ trẻ nữa. Tôi quan sát thấy dường như anh hay “troll”- chọc lũ trẻ hơn, thậm chí sẵn sàng “bêu” một cách đầy dí dỏm về những nét chưa được nào đó của chúng. Có khi nào, anh lo ngại, cũng có ngày, chúng “troll” ngược lại anh trên mạng xã hội không?
+ Không. Tôi không ngại. Nhà tôi các cháu bé thì chưa được dùng, nhưng gia đình luôn giáo dục, bé không được lên mạng xem linh tinh, nhưng lơi đi phát là chúng vào các kênh vớ vẩn thì “dở hơi cám hấp” ngay. Có lần chúng tôi bảo các cháu: “các vấn đề riêng tư của mình thì phải giải quyết nơi riêng tư. Có nhớ hôm đó bố mẹ cãi nhau không? Sau đó bố mẹ có đưa lên mạng không? Chúng bảo không ạ” và đó là cách để chỉ cho chúng.
Gần đây các cháu bé đưa lên mạng xã hội tố cáo điều này điều kia. Tôi cũng không chắc lũ trẻ nhà mình không tung lên khi mình làm điều gì phật ý chúng. Trẻ con tâm lý hiếu thắng, khi bị xúc phạm chúng nó sẽ tìm cách như kiểu “đã thế ông phải tung lên để cả xã hội ghét người lớn”.
Nhưng mình sống như thế nào thì vẫn cứ thế mà sống, mình vẫn yêu thương chúng và muốn chúng tốt. Còn mạng xã hội, bạn biết rồi đấy, đó là đám đông hay đứng về phía yếu nhưng không đầy đủ thông tin, bằng chứng.
Ví dụ có người bình luận là ông Lực đánh con dã man quá, người thì bảo nhìn ông Lực thì hiền thế mà giả vờ thế...
Mặc dù công việc bận rộn nhưng hai vợ chồng anh luôn dành thời gian để trò chuyện với con cái như bạn bè. |
- Vậy khi bọn trẻ nhà anh “cự nự”, lên tiếng trái ý với anh, anh phải làm như thế nào để mang lại “hòa bình”?
+ Mình phải xem lại mình ngay. Người lớn hay ỷ lại mình từng trải hiểu biết hơn, quan điểm của mình như thế là đúng, nhưng không phải, sâu thẳm chúng thấy đúng thì chúng bật lại.
Trẻ con không có đứa nào hư cả.
Lâu lắm rồi, tôi từng say rượu đến nỗi mềm người ra. Lũ trẻ đứa thì mang chậu nước vào, vợ tôi thì đứng cạnh giải thích là uống rượu là xấu như này này (chỉ vào tôi đang nằm bê bết), say thế này nằm ngoài đường khéo mà chết… Rồi chúng coi bố như là búp bê chơi đồ hàng vậy, lấy khăn thấm nước, giờ cứ tôi đang uống chúng lại nhắc trận say ấy cho tôi nhớ.
Vậy tôi mới nói con cái là bạn bè, bạn bè là thế, chính chúng lại nhắc nhở mình. Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng là em yêu anh, anh yêu em mãi được, vợ chồng hơi khác biệt nhau tí đã hầm hè rồi. Lúc ấy chúng lại nhắc nhở chúng tôi. Cu Bách bé tí nhưng lại vừa nói vừa đẩy tôi và vợ ra: “thôi xin anh xin chị”. Chúng tôi buồn cười quá lại quên mất tranh luận.
Ký ức tuổi thơ vui vẻ như một cái phanh tốt khi con trẻ trưởng thành
- Qua quan sát những mẩu truyện ngắn ngủi về gia đình anh, những đứa trẻ và ngay cả những câu chuyện với người cha của anh – NSND Trần Bảng… thì tôi thấy, dường như sự khác biệt thế hệ này ở gia đình anh lại là những việc hết sức nhẹ nhàng, ấm áp và không có dấu hiệu của tuổi tác ở đây. Tại sao anh và gia đình lại có thể gìn giữ được những điều như vậy? Và anh phải dùng “kỹ thuật” nào để “chiến đấu” lại sự hóc búa của bọn trẻ?
- Cuộc sống có hai mảng gia đình và công việc, công việc mình có nhiều mối quan tâm, gia đình cũng vậy, không phải là chỗ ăn ngủ nghỉ. Tất nhiên không phải lúc nào cũng cười đâu.
Với Bờm, tôi từng đánh 1 trận, lỗi phạm phải nếu chỉ nói không thôi chúng sẽ quên, tôi đánh lằn mông lên. Lần đánh đó không phải là hằn thù gì mà là tôi muốn Bờm hiểu được rằng, cu cậu đã phạm lỗi rất nguy hiểm cho con và người khác, đánh để con mình nhớ. Ông ấy khóc ầm lên nức nở, mách mẹ rồi 2 mẹ con “sến súa” ôm nhau. Sau đó, tôi lại chủ động xin lỗi và bạn ấy rất nhớ lỗi ấy. Bờm thì “ếch” lắm nhưng Bách thấy tôi tìm roi nó đã chạy vút đi rồi.
"Trẻ con không đứa nào hư cả"- Đạo diễn Trần Lực chia sẻ. |
Tôi cũng như mọi người đều muốn con mình có tuổi thơ thật là đẹp. Ý thức được chuyện đó nên mình thì vất vả đi làm, nhưng về nhà là không công việc, 2 vợ chồng không được phép bàn công việc để có thời gian cho các con. Chơi với chúng nó còn là chất liệu để “sạc” thêm cho mình năng lượng, tạo không khí vui vẻ và luôn đầy ắp tiếng cười.
Bố tôi hay trêu chúng, tôi thì bố tôi tôi cũng trêu, bọn trẻ con tôi cũng trêu để tạo không khí vui vẻ. Khi thoải mái chúng mới bày tỏ những bức xúc của bọn trẻ đang là cái gì để mình còn biết và lắng nghe. Chúng còn bé đi học thì cũng có cộng đồng của nó với những bức xúc với thế giới của nó dù chỉ là xoanh câu chuyện bạn bè, học hành, thầy cô, ấm ức, vui vẻ… Sau khi xả xong để tâm hồn nó trong sáng, cân bằng trở lại.
Để làm được điều ấy thì các thành viên trong gia đình trước tiên là phải yêu thương nhau đã, nhà nào cũng yêu nhau cả nhưng phải thể hiện ra ngoài. Thể hiện tình cảm là điều bình thường, không việc gì phải giấu. Nhà tôi cũng vậy: con yêu bố, con ghét bố, con thích điều này… đều nói ra hết. Bố tôi già rồi chúng tôi cũng vẫn nói chuyện như vậy.
Những ký ức tuổi thơ tốt lành như là cái phanh. Tôi biết tôi viết không hay nhưng đó là các câu chuyện của con mình. Tôi cũng thường lưu ký ức bằng cả quay phim, chụp ảnh… để sau này chúng va vấp chuyện nọ chuyện kia tôi mong rằng chúng sẽ nhớ về quãng đời tuổi thơ rất đẹp này, với gia đình, bạn bè, ông bà… Đó là điểm tựa vững, để các con hiểu cái khó khăn chỉ là trước mắt thôi, chúng ta có nền tảng như vậy, có một quãng đời đẹp như thế tại sao mình lại chịu đầu hàng, chán đời, đau khổ với những thứ vớ vẩn này?
Ngoài ý thức để chúng có tuổi thơ trong sáng hồn nhiên, tự do thực sự nên gia đình tôi luôn để cho chúng tự do, tất nhiên là khi đi học thì phải tuân thủ kỷ luật ở trường nhưng về gia đình thì chúng tôi tạo tự do nhất định. Tôi tin khi có ký ức tuổi thơ như vậy thì chúng khó trở thành người xấu được và khi vấp ngã nào trên đường đời để vượt qua một cách mạnh mẽ hơn.
- Xin cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!
Song Đào (thực hiện)
Ảnh: Nam Nguyễn