Gần như, tất cả các tác giả sân khấu đều ít nhất một lần nếm trải cảm giác buồn phiền và bực bội, khi vở diễn trên sân khấu trở nên khác biệt và sai lệch hẳn so với kịch bản ban đầu của mình.
Gần như, tất cả các tác giả sân khấu đều ít nhất một lần nếm trải cảm giác buồn phiền và bực bội, khi vở diễn trên sân khấu trở nên khác biệt và sai lệch hẳn so với kịch bản ban đầu của mình.
Do đạo diễn ngẫu hứng, vô trách nhiệm và không đủ năng lực để hiểu kịch bản hay là do tác giả yếu kém, chỉ viết được những kịch bản "nhờ nhờ", có "xác" mà thiếu "linh hồn"? Chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa đạo diễn và người viết vẫn thường xuyên diễn ra quanh những lời "buộc tội" lẫn nhau như thế.
Thân phận chung của các nhà viết kịch vẫn được tóm tắt thế này: Trao kịch bản, nhận tiền tạm ứng, vậy là họ hết quyền với tác phẩm của mình. Một số tác giả băn khoăn, lò dò tới rạp xin vào xem tập. Cửa đóng, họ đành lủi thủi ra về. Dù vẫn ngay ngáy lo rằng ở trong kia, đứa con tinh thần của mình đang bị người ta "tùng xẻo"! Để rồi, khi xem vở, họ mới nhăn nhó nhận ra kịch bản của mình qua bàn tay đạo diễn chỉ giữ được cái tên. Phần còn lại đã bị vứt sau cánh gà để thay bằng một câu chuyện khác và nói những điều hoàn toàn khác.
Ai có lý?
Nói về điều ấy, giới cầm bút có cả ngàn lý do để... tố khổ. Người bảo đạo diễn bây giờ khả năng cảm thụ có vấn đề. Kẻ nói đấy là thói "dây máu ăn phần", vừa dàn dựng vừa muốn trở thành đồng tác giả.
Trầm tĩnh hơn, có vị kết luận: giới đạo diễn vốn dĩ chỉ có vài miếng tủ của mình. Gặp kịch bản nào, họ cũng phải "gọt chân cho vừa giày", sửa kịch bản theo những khuôn mẫu mà mình quen làm sẵn. Và cho dù, với lý do nào, nỗi ấm ức của họ cũng được trút lên đầu đạo diễn, như tác giả Trần Đình Ngôn có lần kết luận: Kịch bản là cái cầu. Đạo diễn muốn bước vào vở nhưng lại sợ bẩn chân nên mới cần đến nó thôi.
Trước những lời "đúc kết" ấy, các đạo diễn thường vẫn bình thản như không. Lý do họ đưa ra rất rõ ràng, viết là phần tác giả, còn dựng thế nào là quyền đạo diễn. Nghĩa là kịch bản có hoàn chỉnh thì mới chỉ dừng ở phần văn học.
Còn để thành vở, kịch bản vẫn phải... "phá" thật nhiều. Phá vì tác giả ít khi mang tư duy "viết để dựng" mà chỉ hăng say viết thật khỏe, thật dài trong cơn thăng hoa sáng tác. Phá để đưa những mảng dẫn giúp vở diễn đảm bảo yêu cầu cuốn hút khán giả ngay từ những giây đầu.
Chưa kể tới một lý do tế nhị khác: tác giả muốn bảo vệ kịch bản thì hãy viết cho nên hồn đã. Chứ đừng ấn cho Nhà hát những kịch bản theo kiểu đề cương "lửa trại" thời kháng chiến, để rồi người dựng phải toát mồ hôi "thêm da, đắp thịt" vào. Về chuyện này, đạo diễn Xuân Huyền kể: Một lần, tác giả trách ông: "Kịch bản tôi ấp ủ 3 năm, ông dựng trong 3 tuần thì làm sao hiểu nổi? Khốn nỗi, kịch bản viết 3 năm nhưng đọc gần hết vẫn vẫn chẳng thấy... kịch ở chỗ nào”.
Ai có quyền?
Nói về chuyện này, Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang khẳng định chắc nịch: "Thời buổi bây giờ, dựng kịch thì sửa kịch bản là điều tất yếu. Và sửa theo cách nào thì đến... Shakespeare có sống lại cũng phải nghe lời tác giả thôi. Bởi, đó là một nguyên tắc chung của sân khấu: mỗi đạo diễn đều có thể khai thác kịch bản theo cách nhìn và âm hưởng của thời đại mình.
Ông kể: "Dựng vở, tôi thường hỏi tác giả: "Anh có tin tôi không?”. "Có"!". Vậy thì yên tâm, công việc của tôi là nhằm làm sáng rõ ý tưởng của anh". Vậy là xong. Nếu kịch bản họ viết tốt thì đạo diễn đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhưng thông thường, đạo diễn vẫn thường phải bắt tay vào "vỡ lại" câu chuyện trong kịch bản sao cho hợp lý".
Theo cách giải thích của đạo diễn này, kịch bản sân khấu không chỉ dùng để "đọc". Xa hơn, nó phải chứa cả tố chất để dựng thành vở diễn đứng được trên sàn. Tố chất để dựng thành vở - đó chính là những đặc thù của loại hình về tâm lý, tính cách, xung đột mà sân khấu quy định. Thiếu những yếu tố này, nhiều kịch bản luôn rơi vào tình trạng đọc hay - xem dở.
Đọc, bị thuyết phục bởi ý tưởng, câu chữ, ngôn từ. Xem, cảm giác chung: hụt hẫng, bực mình, sốt ruột. Bởi, từ kịch bản lên sàn diễn, lời thoại và các chi tiết cứ rời rạc, tãi ra như xôi đỗ trên mâm.
Nghe cũng có lý. Nhưng có một vấn đề khiến các tác giả thường xuyên ấm ức mà không thể nói thành lời: ở những cuộc cãi vã như vậy, đạo diễn thường vẫn là kẻ mạnh. Lý do họ đưa ra nghe khá đơn giản: Tác giả có cái quyền lớn lắm, quyền không cho người khác dựng vở của mình. Nếu thấy khó chịu, tại sao không dừng lại và hủy hợp đồng đi? Câu hỏi ấy thường không được trả lời. Lý do "nổi" được đưa ra: Sợ làm khổ đoàn và các bạn nghề.
Còn lý do "ngầm": Cái dũng của tác giả thường đã mất béng từ trước khi làm vở. Bởi bây giờ, nhiều đạo diễn có tiếng cũng kiêm luôn vị trí bầu sô. ở đó, họ được Nhà hát bảo vệ và trao toàn quyền chọn và trả thù lao cho từng phần kịch bản, âm nhạc, trang trí... của từng vở diễn.
Ai có lỗi?
Thực tế cho thấy: Các đạo diễn nổi tiếng "mạnh tay" điển hình là Doãn Hoàng Giang và Lê Hùng - cũng là người đồng thời cứu hàng chục kịch bản khỏi số phận nằm xếp xó. Bởi, ở những kịch bản bị coi là non về ý tưởng, họ vẫn có cách xoay xở, thêm da đắp thịt để vở đứng được trên sàn. (Đạo diễn Doãn Hoàng Giang khẳng định: "Nếu muốn, một nửa số vở ông dựng đều có quyền đứng tên đồng tác giả). Hoặc, để lấp lỗ hổng từ kịch bản, họ biết hàn vá bằng những mảng trò hài. Tất nhiên, trò không có tích hoặc tích dở nên nhiều khi trò cũng cam phận nhạt!
Còn với tác giả, dù kịch bản hay dở thế nào, họ đều chịu một thiệt thòi chung - khi cảnh "nhà nhà viết kịch, người người viết kịch" vẫn tồn tại như một chuyện dở khóc dở cười trên sân khấu. Ở đó, ai cũng viết được, làm nghề gì cũng viết được, miễn là bắt tay được với lãnh đạo các đoàn, miễn là sau khi kiểm nghiệm kịch bản, máy tính cho biết đầu ra có lãi suất (dù chỉ là tương đối). Và cái lý ấy cũng khiến cho tác giả hầu như chưa bao giờ dùng đến cái quyền lớn nhất của mình: trả lại tiền và rút tên khỏi băng rôn vở diễn.
Hóa ra, những chuyện trúc trắc như vậy không đơn thuần là lỗi của tác giả hay đạo diễn. Đôi khi, nó bắt nguồn từ thực trạng của một nền sân khấu đang nhuốm màu ảm đạm.
Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều người khẳng định: Viết kịch là nghề cần học - bên cạnh yếu tố trời cho là khả năng sáng tác.
Học để hiểu các nguyên tắc khi viết kịch. Học để kịch bản phần nào thích hợp với tư duy của nghề đạo diễn. Làm được điều ấy, 2 thành phần tác giả - đạo diễn đều đỡ công vất vả. Và sẽ bớt đi trường hợp kịch bản là con mình đấy, mà qua bàn tay bà mụ là đạo diễn... nó thành con người khác: xa lạ, dửng dưng, hỏi không nói, gọi không thưa, chẳng còn chút tình cốt nhục nào!
Theo CAND