• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo Mẫu – Tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của người Việt

Văn hoá 24/03/2023 16:27

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 24/3, tại Hà Nội, Viện Nhân học Văn hoá đã tổ chức toạ đàm khoa học với chủ đề "Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam".

Toạ đàm có sự tham gia của các đại biểu, PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng tôn giáo mới, đại diện Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội; TS, nghệ nhân văn hóa Nguyễn Đức Hiển - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam; ThS, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Đàm Lan…

Đạo Mẫu – Tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của người Việt - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn hầu đồng

Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay còn thường được gọi là đạo Mẫu), một tín ngưỡng dân gian Việt tiêu biểu nhất vẫn còn tồn tại và phát triển, cho tới nay đã được nghiên cứu tương đối đa dạng trên nhiều phương diện, cách tiếp cận, cả địa bàn nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn gợi ra rất nhiều chiều kích còn tồn nghi để cùng khám phá, suy ngẫm và minh giải.

Đạo Mẫu – Tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của người Việt - Ảnh 2.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức với mục đích đặt ra những vấn đề sơ khởi đầu tiên về tín ngưỡng thờ Mẫu từ những gì giới nghiên cứu đã nói, đã viết, đã hiểu, để rồi tìm đến gợi mở những nhận thức mới hơn về tín ngưỡng này.

Về nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu, PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa cho biết: "Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa bắt nguồn từ xa xưa, mang âm tính (tôn thờ người phụ nữ, người mẹ), đồng thời nhận nhiều ảnh hưởng tới từ Saman giáo, Đạo giáo, rồi cho tới thời phong kiến một số Mẫu thần đã được lịch sử hóa trở thành đối tượng thờ cúng. Và câu chuyện nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ dẫn dắt con người đi vào sâu hơn trong tập thể, liên quan đến nguồn cội dân tộc".

Đạo Mẫu – Tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của người Việt - Ảnh 2.

Các diễn giả tại tọa đàm

Ngoài ra, ThS, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Đàm Lan cho biết: "Trong quá trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có một điều chúng ta phải khẳng định, tín ngưỡng thờ Mẫu là đỉnh cao trong nghệ thuật tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ thánh mẫu của người Việt. Chúng ta tìm về tín ngưỡng thờ Mẫu giống tâm thái của những đứa con tìm về với mẹ, đó chính là điểm đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu. Xét về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, chúng ta xét trên hai khía cạnh: một là khía cạnh tâm linh, hai là khía cạnh văn hóa. Giá trị về văn hóa rõ ràng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu là thể hiện tâm tư, tình cảm, trí tuệ, đạo đức của người Việt Nam, phản ánh nhận thức của người Việt Nam về nhân sinh quan và thế giới quan. Không có một tín ngưỡng nào trên thế giới có những nghi lễ mang tính chất vòng đời của con người, hướng con người và hướng niềm tin của con người vào cuộc sống nhân sinh như tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt".

Bên cạnh đó, trong tín ngưỡng thờ Mẫu có một nghi lễ điển hình nhất – đó chính là nghi lễ hầu đồng.

Đạo Mẫu – Tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của người Việt - Ảnh 3.

Không gian buổi tọa đàm

Về phương diện biểu đạt nghệ thuật, thì nghi lễ hầu đồng đã trở thành một hình thức diễn xướng khá hoàn chỉnh và đặc sắc, với ca vũ, trang phục, đạo cụ, các vai… được coi là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Trong khuôn khổ tọa đàm, công chúng cũng đã được thưởng thức tiết mục hầu đồng do các thanh đồng thể hiện.

Cùng với sự vinh danh của UNESCO, niềm tự hào của những người con của tín ngưỡng thờ Mẫu, hiện nay tín ngưỡng Thờ Mẫu nở rộ như rừng hoa khoe sắc với thể thức thực hành, trang phục, vũ đạo, canh tán nhã nhạc. Tín ngưỡng thờ Mẫu xưa là kế thừa, tín ngưỡng ngày nay là phát huy. Trong khuôn khổ của hội thảo khoa học đã nêu nên vấn đề cần kế thừa như nào? Cần phát huy ra sao để Tín ngưỡng vẫn giữ được bản sắc và phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ