(Tổ Quốc) -Trong những năm vừa qua, việc đào tạo lực lượng cầu thủ trẻ là một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, ở nước ta hiện nay công tác đào tạo trẻ chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Tại buổi đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam diễn ra chiều ngày 13/01, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra cho Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) về những chỉ đạo nhằm ràng buộc trách nhiệm của các CLB trong đào tạo cầu thủ trẻ và những quy định về công tác đào tạo trẻ tại các đội bóng chuyên nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, trong quy định của VFF, các CLB phải đào tạo trẻ từ U11 tới U21. Hàng năm, bắt buộc các CLB phải có 4 đội tham gia trên 6 giải do VFF tổ chức. Đội nào không đủ thì bị phạt 200 triệu/đội. Hầu hết các CLB đều có đủ số lượng nhưng có CLB chỉ sở hữu 3,4 đội bóng trẻ.
Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng (Ảnh: Minh Khánh) |
Còn theo Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết, VFF hiện nay đang có một hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21 tương đối hoàn chỉnh. Nhằm phát triển công tác đào tạo bóng đá trẻ, trong thời gian gần đây, VFF đã tập trung chú trọng mở rộng hệ thống thi đấu, tăng số trận thi đấu ở mỗi giải đồng thời mở nhiều khóa học bóng đá trẻ cho các HLV trẻ, các khóa học của AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á).
Theo đó, trong nhiệm kỳ qua đã có 900 lượt HLV đã được đào tạo, công tác huấn luyện hồi phục thể lực cũng được triển khai chuyên sâu hơn cho các HLV ở CLB. Bên cạnh đó, VFF cũng đầu tư cho các tài năng bóng đá trẻ ở các CLB thông qua tập huấn cho các đội tuyển quốc gia.
Việc áp dụng quy định các CLB phải dự ít nhất 4 giải bóng đá trẻ nhằm mong muốn các CLB phát triển ổn định và có tính truyền thống. Việc này đang được các CLB nhận thức dần, số CLB thiếu phần này đang giảm đi trông thấy.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (Ảnh: Minh Khánh) |
“Hy vọng các CLB sẽ sớm hoàn thiện và chấm dứt tình trạng tham dự thiếu giải. Bên cạnh trách nhiệm của VFF, có một phần trách nhiệm của các CLB trong việc chưa tuân thủ quy chế này. Chúng tôi sẽ có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc ổn định hệ thống bóng đá trẻ và đề nghị các ông chủ CLB thống nhất hệ thống này”- Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định.
Bên cạnh Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc đào tạo trẻ. Về phần mình, Trưởng ban tổ chức giải V.League Nguyễn Minh Ngọc cho biết, với vai trò đơn vị tổ chức, VPF có một số giải pháp như có giải thưởng cho CLB có công tác đào tạo trẻ tốt nhất hay giải cầu thủ trẻ hay nhất của các CLB. Đây được xem là hình thức khuyến khích đào tạo trẻ.
Mục tiêu gần nhất, thiết thực nhất của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại là SEA Games và đội tuyển Việt Nam tham dự giải là lứa tuổi U22. Do vậy, bóng đá trẻ lại càng có vai trò quan trọng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, Tổng cục và VFF đã tập trung đào tạo trẻ nhiều hơn. Những năm gần đây, các đội trẻ do VFF chịu trách nhiệm toàn bộ.
“Nhằm phát triển công tác đào tạo trẻ, Bộ VHTTDL đã dành một khoản kinh phí cho các đội trẻ đồng thời thuê các chuyên gia, HLV có kinh nghiệm cho đào tạo trẻ, tạo điều kiện cho các đội trẻ được tập huấn và thi đấu nước ngoài, từng bước hoàn thiện hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21. Qua đó, công tác đào tạo trẻ từng bước đạt kết quả và dần nâng cao thành tích. Bên cạnh đó, VFF đang hết sức quan tâm, đầu tư cho lứa U22. Chúng ta cũng đang tập trung cao độ cho SEA Games kế tiếp”- Tổng cục Trưởng Vương Bích Thắng cho biết.
Đăng Huy