Ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học "Đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện ở Việt Nam".
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo/đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, các Hội nghề nghiệp, lãnh đạo và đại diện các thư viện tỉnh/thành phố, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện lực lượng vũ trang, các cơ sở đào tạo ngành thông tin - thư viện trong cả nước và đông đảo đội ngũ những người làm công tác thư viện.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Đối với ngành thư viện, chuyển đổi số dự báo sẽ có những tác động làm thay đổi phương thức, mô hình vận hành của thư viện, tạo động lực cho quá trình đổi mới hoạt động thư viện. Điều này mang lại cơ hội vô cùng to lớn nhưng cũng là những thách thức không hề nhỏ, yêu cầu ngành thư viện cần phải chuẩn hóa về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, về hạ tầng công nghệ thông tin và về nguồn nhân lực. Trong đó chuẩn hóa về nguồn nhân lực giữ vai trò nền tảng, tạo động lực thúc đẩy chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Vì vậy, để có thể tiếp cận với xu thế chuyển đổi số một cách toàn diện và mạnh mẽ, vấn đề chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành thư viện cần được quan tâm và nghiên cứu một cách toàn diện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư Viện (Bộ VHTTDL) cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 "Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới". Để hiện thực hóa mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, mỗi ngành, lĩnh vực cần có những bước tập trung phải chuyển đổi.
Với số lượng nguồn nhân lực thư viện trong cả nước khoảng 52.000 người, tuy nhiên, chất lượng nhân lực còn chưa thực sự đồng đều, tồn tại những khoảng cách khá lớn về chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nhân lực số nói riêng giữa thư viện các cấp, giữa những loại thư viện với nhau, giữa thư viện ở thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng tại các thư viện còn thiếu và yếu; chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao có trình độ công nghệ vào ngành thư viện. Chính điều này đã tạo ra những thách thức lớn trong vấn đề chuẩn hóa nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số.
Để có thể tiếp cận với xu thế chuyển đổi số một cách toàn diện và mạnh mẽ, vấn đề chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành thư viện cần được quan tâm, nhận diện và nghiên cứu một cách sâu sắc. Đặc biệt, đào tạo lại nguồn nhân lực luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng được hướng tới trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông tin thư viện.
"Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đặt ra yêu cầu đối với việc rà soát, đánh giá tổng thể số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành thư viện. Từ đó xác định nội dung đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho từng nhóm đối tượng, hướng đến việc chuẩn hóa đội ngũ nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam.
Hội thảo "Đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện ở Việt Nam" được tổ chức nhằm có thêm nhiều luận cứ quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo lại nguồn nhân lực ngành thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số, các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo là căn cứ để xây dựng Khung Chương trình đào tạo lại cho ngành nhân lực thư viện.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận tập trung vào những nội dung mang tính định hướng, nền tảng về chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước về đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực thư viện; phân tích, đánh giá thực trạng công tác đào tạo, đào tạo lại và trình độ đội ngũ những người làm công tác tại các loại hình thư viện, đồng thời cũng đề xuất những kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ thư viện, về công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm… cần được tập trung triển khai với các hoạt động đào tạo, đào tạo lại những người làm công tác thư viện trong thời gian tới.
Trên cơ sở những đóng góp của các chuyên gia, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá nhằm hoàn thiện các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại nguồn nhân lực thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số đang có bước tiến mạnh mẽ đặt ra những yêu cầu của ngành, của xã hội, nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức của người sử dụng, góp phần phục vụ học tập suốt đời của người dân trong thời đại mới./.