(Tổ Quốc) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao.
Theo đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, Bộ LĐ-TBXH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp chỉ đạo và ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ cho các trường được lựa chọn nhằm đạt các tiêu chí của trường chất lượng cao và tiêu chí lựa chọn ngành, nghề trọng điểm.
Bố trí nguồn ngân sách để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đào tạo các chương trình chất lượng cao, bao gồm cả việc nhân rộng các chương trình chuyển giao từ nước ngoài.
Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh việc tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo nhân rộng theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài.
Việc đào tạo nhân rộng theo những ngành, nghề đã chuyển giao chương trình từ Úc được thực hiện theo hai hướng, đào tạo theo chương trình chuyển giao để cấp bằng của Úc và Việt Nam, và đào tạo theo chương trình chuyển giao để cấp bằng của Việt Nam.
Trong đó, đối với đào tạo theo chương trình chuyển giao để cấp bằng của Úc và Việt Nam, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo được thực hiện theo quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực GDNN theo hướng đơn giản vì đã có chương trình chuyển giao.
Các trường chủ động xác định chi phí đào tạo, gồm chi phí đào tạo, chi phí phải trả cho Học viện Chisholm, Úc và các chi phí khác. Huy động đa dạng các nguồn kinh phí gồm, kinh phí của trường, hỗ trợ từ địa phương hoặc qua đặt hàng đào tạo, kinh phí thu từ người học…
Đối với đào tạo theo chương trình chuyển giao để cấp bằng của Việt Nam, ngoài 25 trường đã tham gia đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc, các trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gồm cả các trường tư thục có năng lực đào tạo tốt, chủ động khai thác, sử dụng chương trình, tài liệu chuyển giao, kết nối với các trường đã tham gia thí điểm để được hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trong chương trình chuyển giao.
Đối với đào tạo theo chương trình chất lượng cao khác, các trường căn cứ của Bộ quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng để xây dựng và phê duyệt đề án đào tạo chương trình chất lượng cao của trường, báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ LĐ-TBXH để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, mức thu học phí được thực hiện theo quy định hiện hành về đào tạo chương trình chất lượng cao. Ngoài ra các trường cần tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ cho đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của chương trình chất lượng cao.
Trước đó, năm 2013, Bộ LĐ-TBXH đã thực hiện chuyển giao 12 chương trình trọng điểm cấp độ quốc tế từ Úc và thí điểm đào tạo cho 41 lớp với 725 sinh viên tại 25 trường cao đẳng. Đến ngày 25/12/2019, chương trình đào tạo thí điểm đã kết thúc, kết quả tổng kết, đánh giá cho thấy các bộ chương trình chuyển giao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, năng lực đào tạo của các trường, năng lực của người dạy và người học có thể đáp ứng được yêu cầu cao của các chương trình quốc tế.