(Tổ Quốc) - Tìm kiếm, đào tạo tài năng diễn viên xiếc được ví như việc đãi cát tìm vàng. Mong muốn có một cơ chế đặc thù cho học sinh theo đuổi môn nghệ thuật xiếc, một chính sách cho các tài năng được đi biểu diễn ở nước ngoài tăng thêm thu nhập… là trăn trở của thầy và trò theo đuổi bộ môn khắc nghiệt này.
Tuyển 600 được 35
Thời gian học tập, rèn luyện dài, quá trình học tập là khổ luyện, thời gian làm nghề ngắn, chưa kể đến thu nhập trong biểu diễn ngắn… tất cả tạo nên một nghề “nghiệt ngã”- nghề diễn viên xiếc. Tuy nhiên, vẫn có những người thầy, người trò đam mê với ngành và xiếc Việt Nam vẫn thường giành nhiều giải vàng mỗi khi “mang chuông đi đánh xứ người”.
Mới đây, tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017 diễn ra tại thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” đã xuất sắc đoạt Mái bạt vàng, giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Điều đáng chú ý là hai diễn viên thể hiện tiết mục này đều đang là học sinh tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn chung của các trường đào tạo nghệ thuật, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng chính thức bước vào mùa tuyển sinh cho năm học mới với nhiều băn khoăn, trăn trở.
Tuyển sinh diễn viên xiếc là một trong những ngành có xác suất "rơi rụng" cao nhất |
i
Theo ông Hoàng Minh Khánh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, năm nay, tín hiệu “vui” trong công tác tuyển sinh của trường là nhận được hơn 8.000 hồ sơ dự tuyển.
Với ngành xiếc, hồ sơ 8.000 mà chọn được 600 để trực tiếp thực hiện thi tuyển đã là nhiều. Với những năm trước đây, theo ông Khánh cho biết, cứ vài nghìn hồ sơ, nhà trường tổ chức tuyển lựa và chọn khoảng 600 em để thi tuyển, sau đó chỉ chọn được khoảng 35 học sinh.
“Xác suất "rơi rụng" trong đào tạo của ngành xiếc thuộc loại cao nhất trong các ngành. Trong 35 học sinh được trường tuyển vào học thì đến khi tốt nghiệp cũng chỉ còn khoảng 25 em”- ông Hoàng Minh Khánh chia sẻ.
Ông Khánh cho biết thêm, tính đến ngày 10/6/2017, Hội đồng tuyển sinh của Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã trực tiếp tham gia tuyển sinh Vòng I Sơ tuyển tại 210 trường của 3 Tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong đó có 113 trường Tiểu học, 85 trường THPTCS, 12 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 8.321thí sinh. Và theo kế hoạch sau vòng I Sơ tuyển số thí sinh trúng với 679 thí sinh sẽ tiếp tục tham gia tuyển sinh Vòng Trung tuyển và Phúc tuyển được tổ chức vào ngày 8 và 9/7.
Thế nhưng, bên cạnh những con số “biết nói” đó là vô vàn những băn khoăn với cơ sở đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp duy nhất của Việt Nam. Bởi tưởng như với tiêu chí tuyển sinh được cho là khá khiêm tốn so với các trường đào tạo nghệ thuật chỉ với 35 chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là câu chuyện cũ của trường: “thừa thợ, thiếu thầy”.
Ông Hoàng Minh Khánh thừa nhận “Xiếc Việt Nam đang có một khoảng trống rất lớn trong khâu đào tạo. Ở đó, nguồn lực giáo viên chuyên ngành xiếc hiện nay quá mỏng khó có thể đáp ứng những tiêu chí, đòi hỏi cao hơn trong công tác tuyển sinh”. Ông Khánh cũng dẫn chứng nhiều năm nay trường không thể tuyển dụng thêm viên chức. Cho dù cơ quan quản lý là Bộ VHTTDL đã ra những chỉ tiêu cụ thể về tuyển dụng viên chức trong khâu đào tạo nhưng giữ được giáo viên đang cống hiến với nghề đã khó chứ chưa nói gì đến việc tăng về số lượng.
Đơn cử, kết quả năm học vừa qua dù kết quả học tập của học sinh toàn trường của học kỳ II năm học 2016-2017 có tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi tăng hơn so với kết quả năm học trước. Song chất lượng đào tạo không đồng đều và tập trung chủ yếu ở các bộ môn huấn luyện cơ bản. Nhiều học sinh có điểm môn cơ bản rất thấp, đây là điều không thể chấp nhận đối với kết quả học tập của một trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, người đứng đầu trường Xiếc cũng thừa nhận dù Nhà nước đã miễn giảm 70% học phí đối với học sinh nghệ thuật xiếc nhưng với đặc thù hầu hết các học sinh trường xiếc chủ yếu là con em ở các vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn vì vậy mỗi tháng phải bỏ ra một khoản tiền từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng cho con theo học xiếc là cả một vấn đề đối với mỗi gia đình.
Vẫn cần thêm có cơ chế đặc thù cho đào tạo và biểu diễn xiếc |
Trường đã trích hỗ trợ tiền ăn tại Nhà ăn Học sinh, sinh viên của trường theo định mức là 180.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh. Tuy vậy, năm nào trường cũng gặp tình trạng không giữ được một số học sinh vì gia đình không có khả năng lo tiền sinh hoạt cho các em. Đấy cũng là lý do mà nhiều học sinh đang theo học ngành xiếc bỏ học.
“Hiện nay dù rất cố gắng nhưng đào tạo ngành xiếc đang gặp muôn vàn khó khăn. Tôi nói ví dụ chỉ tính riêng chi phí thiết kế và đầu tư sản xuất đạo cụ cho tiết mục Đu bay tốn tới vài trăm triệu. Một bộ quần áo trang bị cho tiết mục ảo thuật có khi lên tới vài chục triệu... Đấy là chỉ tính chi phí sản xuất trong nước, chứ chưa dám mơ tới được đặt làm tại nước ngoài”- ông Khánh dẫn chứng.
Vượt khó
Có thể thấy, những khó khăn đào tạo xiếc tại Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn luôn là những câu chuyện “khó và khổ”. Ngay niềm tự hào khi có một cơ sở đào tạo được cho là “hoành tráng” nhất nhì châu Á như Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đến nay vẫn chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài. Thực tế với một cơ sở đào tạo rộng hơn 10000 m2 với sàn tập và phòng học thế nhưng điều cần nhất là dụng cụ học tập của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thì vẫn còn đang trong quá trình “tự thân vận động”. Đơn cử, như ngành xiếc thú thì hiện nay biên chế của cơ sở đào tạo là không có. Hay như mọi liên quan đến chữa bệnh, thậm chí tai nạn trong học tập của các học sinh đều phải nhờ bác sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Trình độ kỹ thuật của diễn viên xiếc Việt Nam đạt ngang các nước phát triển |
Dẫu còn khó khăn nhưng khi đi tranh tài với các đơn vị nghệ thuật xiếc trong nước và cả quốc tế, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam vẫn có những tiết mục “ăn điểm” và giành giải cao. Trình độ biểu diễn của diễn viên xiếc Việt Nam ngang với nhiều nước phát triển trên thế giới và giải thưởng tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017 vừa qua là một minh chứng.
Để có được thành tích ấy, tập thể lãnh đạo nhà trường đã phải lao tâm khổ tứ để cùng nhau tìm ra những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các giải pháp bước đầu đã áp dụng thực hiện là ưu tiên và tập trung đầu tư trang thiết bị cho Nhà hát thể nghiệm, nhằm một mặt tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu xây dựng các thể loại xiếc mới lạ và có chất lượng nghệ thuật cao. Các học sinh có một Nhà hát tương đối đạt chuẩn để tổ chức biểu diễn thực tập và kết hợp tạo thêm nguồn thu kinh phí cho Trường. Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Ban giám hiệu trường ký hợp đồng giao khoán giảng dạy tiết mục với các giáo viên đã nghỉ chế độ, nhưng còn đủ sức khỏe, giàu kinh nghiệm và thành tích biểu diễn trên sân khấu xiếc. Cương quyết không giao học sinh cho những giáo viên thiếu tâm huyết đối với nghề và non yếu về trình độ chuyên môn…
Với nhiều giải pháp đã được thực thi để khuyến khích các tài năng trẻ gắn bó với nghệ thuật, như miễn giảm học phí, tạo cơ hội biểu diễn, giao lưu... song, với một ngành đặc thù như nghệ thuật xiếc, thời gian làm nghề của nghệ sĩ rất ngắn, thì cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt hơn, để có thể thu hút người trẻ và tạo bệ đỡ vững vàng cho những tài năng phát lộ./.