(Tổ Quốc) -S-Fone của SPT là câu chuyện về dạng dự án “chết trên giấy”. Thông tin thu hồi giấy phép hoạt động của SPT những ngày gần đây đã “khuấy” lên trong dư luận những lo ngại trong khâu quản lý đối với hoạt động doanh nghiệp kiểu này.
Băng tần 850 MHz mà Bộ Thông tin & Truyền thông cấp cho S-Fone thuộc loại tốt nhất hiện nay và được đánh giá là sẽ tạo lợi thế cho nhà mạng nào sở hữu nó. Trong khi đó, dù đã có trong tay băng tần này nhưng Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) đã thất bại thảm hại.
(Nguồn: Internet) |
“Đổ lỗi” cho sự suy tàn của S-Fone, nhiều quan điểm cho là do công nghệ CDMA đã không còn thích hợp tại Việt Nam, đặc biệt là sự hạn chế về thiết bị đầu cuối đã không thể so được với sự phong phú, đa dạng của thiết bị dùng mạng GSM.
Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên là Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, đã có nhiều năm làm tư vấn về công nghệ cho ngành viễn thông, từng cho rằng “cái chết” của S-Fone không đến từ công nghệ mà là từ quản trị, mà cụ thể là tầm nhìn, chiến lược kinh doanh và quản lý của đội ngũ lãnh đạo.
Từ đầu năm 2013, Công ty SPT đã ngừng cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất mà không thực hiện thủ tục ngừng cung cấp dịch vụ theo quy định. Ngoài ra, Công ty này cũng không thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như: phí sử dụng kho số viễn thông, phí sử dụng tần số, quỹ viễn thông công ích….
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn về việc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất cùng các tài nguyên viễn thông đã cấp cho SPT gửi UBND TP HCM và Công ty SPT thông báo về việc sẽ thu hồi giấy phép viễn thông, băng tần và đầu số viễn thông trong năm 2015. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có 7 lần gửi công văn thông báo nhắc nhở và 6 lần ra quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí…
Đến nay, Bộ chính thức có công văn thông báo ngày 12/9/2016 là thời điểm hết hạn giấy phép, đồng thời sẽ thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ di động của SPT với mạng S-Fone là hoàn toàn đúng với quy định.
Trên thực tế, căn cứ điều 39 về Thu hồi giấy phép viễn thông (Luật Viễn thông), tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông nếu “không thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi ngưng cung cấp dịch vụ viễn thông theo giấy phép viễn thông được cấp một năm liên tục. Ngoài ra, Luật cũng quy đinh thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện nếu “tổ chức, cá nhân đã được phân bổ kho số viễn thông tài nguyên Internet không nộp lệ phí phân bổ, phí sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet”.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Điện tử Tổ Quốc , Luật sư Trần Viết Hưng – Trưởng Văn phòng luật sư Công lý Hà Nội cũng cho biết, theo Điều 23 về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (Luật Tần số vô tuyến điện), các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nếu không nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điên và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật.
“Vì thế, việc SPT bị thu hồi giấy phép hoạt động là hoàn toàn đúng với pháp luật”, Luật sư Trần Viết Hưng nói. Ông Hưng đề nghị, để tránh lãng phí tài nguyên quốc gia đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm cấp cho các đơn vị có năng lực, có nhu cầu thực sự để khai thác hiệu quả tài nguyên tần số này. Nếu càng chậm ngày nào thì càng lãng phí ngày đó. Ông Hưng nhấn mạnh.
Dù vậy, điều đáng nói ở đây là dự án S-Fone dù đã ngừng hoạt động 4 năm nhưng vẫn không hề có chế tài nào áp dụng đối với SPT.
Trong khi đó, chia sẻ với Điện tử Tổ Quốc, đại diện Cục Viễn thông từng nói rằng: “Tài nguyên tần số, kho số là hữu hạn. Đây là tài nguyên rất quý hiếm và được rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được cấp phép sử dụng tài nguyên này.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại để dự án S-Fone “đắp chiếu” trong 4 năm, trong khi đáng ra cơ hội có thể dành cho doanh nghiệp khác?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đáng nói là chúng ta có luật nhưng thực hiện chưa đúng. Có nhiều dự án “đắp chiếu” nhưng rất ít khi bị thu hồi. Đối với các doanh nghiệp có các dự án thua lỗ, càng để lâu càng thất thoát, thiệt hại nhiều cho nhà nước, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
“Về luật pháp chúng ta không thiếu, vấn đề ở chỗ thực hiện quản lý, sâu sát đối với doanh nghiệp còn kém”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ quan điểm./.
Hà Giang