(Tổ Quốc) - Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng đã khiến Trung Quốc sử dụng đến một trong những con át chủ bài có ảnh hưởng quyết định đối với công nghiệp quân sự và các ngành kỹ nghệ tối tân: Đất hiếm!
Trung Quốc vừa loan báo sẽ cấm vận nguồn cung đất hiếm đối với tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin và đe dọa sẽ gia tăng cấm vận lên toàn bộ các ngành công nghệ cao của Mỹ.
Kim loại đất hiếm rất cần thiết để chế tạo các thiết bị điện tử công nghệ cao, và các sản phẩm khác trên toàn thế giới. Tuy tỷ trọng của nguyên liệu thô này trong các đơn vị sản phẩm này khá nhỏ, nhưng không thể làm được nếu không có chúng. Ngay cả tổ hợp công nghiệp quân sự cũng phụ thuộc vào các kim loại này, ví dụ như hệ thống dẫn đường của tên lửa.
Cho đến đầu những năm 1990, phần lớn kim loại đất hiếm trên thế giới được khai thác tại mỏ Mountain Pass ở Mỹ.
Tổng trữ lượng tài nguyên đất hiếm toàn cầu ước tính là 99 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc sở hữu 27 triệu tấn, chiếm 30,6% của thế giới, Mỹ có 13 triệu tấn, chiếm 14,7%, Australia là 5,2 triệu tấn, Ấn Độ có 1,1 triệu tấn. Trung Quốc sau đó phát triển công nghệ phân tách đất hiếm và hoàn thiện chuỗi cung ứng cạnh tranh với Mỹ.
Dần dần, quốc gia này trở thành nhà sản xuất và cung cấp kim loại đất hiếm chính trên thế giới, chiếm 95% tổng nguồn cung thành phẩm của thế giới. Hiện Trung Quốc sản xuất 120 nghìn tấn kim loại đất hiếm mỗi năm.
Trung Quốc đang có lợi thế rất lớn trong việc nắm giữ những kim loại chiến lược. Nhiều chuyên gia tính toán có thể mất hơn thập niên nữa Mỹ mới có thể tạo ra một chuỗi cung ứng tương đối an toàn. Thậm chí, một số người nhận định, Mỹ đã có những bước đi sai lầm. Công nghệ phân tách đất hiếm của Mỹ chưa hoàn thiện thành một chuỗi cung ứng khép kín. Hiện tại tất cả nguồn đất hiếm khai thác được ở Mỹ đều được xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến.
Ông Ted Cruz, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Texas, vào đầu năm 2020 đã đưa ra một dự luật nhằm thúc đẩy sản xuất đất hiếm của Mỹ khi Quốc hội nước này lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng lợi thế này trong các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị.
Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang phát triển một chiến lược nguyên liệu mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc cung cấp nguyên liệu thô từ Trung Quốc, bao gồm cả kim loại đất hiếm.
Tháng 11/2019, Australia và Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác giữa các dịch vụ địa chất của hai nước, đảm bảo khai thác và cung cấp các khoáng sản quan trọng, bỏ qua nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Việc Mỹ lựa chọn Australia làm đối tác không phải là ngẫu nhiên vì Canberra là nhà cung cấp đất hiếm lớn thứ hai sau Bắc Kinh. Tuy nhiên, để thay thế Trung Quốc làm nhà cung cấp chính sẽ không dễ dàng.
Trung Quốc đã phát triển các công nghệ phức tạp liên quan đến ngành công nghiệp đặc thù và đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp từ những năm 1970, bây giờ chiếm một vị trí hàng đầu trên thế giới.
Do đó, ngay cả khi Mỹ, Australia và các quốc gia khác có thể thiết lập chuỗi cung ứng mới cho các nguyên liệu thô này, chi phí của họ sẽ không thể so sánh với Trung Quốc. Vì các ngành công nghiệp như vậy sẽ chỉ có thể tồn tại thông qua trợ cấp, nên có nguy cơ tham nhũng lớn trong ngành này.
Bên cạnh đó, việc khai thác và sản xuất kim loại đất hiếm là một quy trình công nghệ phức tạp, cũng không an toàn theo quan điểm bảo vệ môi trường.
Ngoài Australia, các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng đang hướng đến hợp tác với một quốc gia Đông Nam Á có mỏ đất hiếm là Malaysia thông qua công ty Lynas Corporation của Australia. Chính phủ Malaysia đã cho phép khai thác đất hiếm vào năm 2019.
Malaysia hiện có trữ lượng đất hiếm khoảng 43 nghìn tấn. Năm 1979, họ từng cho phép khai thác nguồn khoáng sản quý giá này ở Bukit Merah, Perak. Tuy nhiên, việc này không gặt hái được nhiều thành công và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chính phủ Malaysia ước tính ngành công nghiệp đất hiếm có thể đem lại doanh thu hơn 700 tỷ RM cho họ.
Tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam được đánh giá lớn, có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn. Việt Nam cũng được giới khoa học đánh giá có thể đứng thứ 3 trên thế giới về tiềm năng đất hiếm, tuy nhiên công cuộc hợp tác khai thác với các nhà sản xuất trên thế giới vẫn chưa phát triển.
Đất hiếm gồm các thành phần gadolinium, praseodymium, cerium, samarium, lanthanum, neodymium được gọi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" vì là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.
Đất hiếm rất quan trọng vì không có chúng thì không thể sản xuất những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người, và càng không thể thiếu trong chế tạo vũ khí, khí tài quân sự.