(Cinet)- Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là sự kiện vang dội, không chỉ là địa hạt khai thác cho hoạt động nghiên cứu lịch sử mà còn là một đề tài quen thuộc, nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học.
Ngày 7/5/1954, sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Bài thơ với những ngôn từ bình dị, tự nhiên nhưng rất đỗi truyền cảm đã nói lên niềm vui chiến thắng “Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/ Quân ta vui hát "khải hoàn ca"… Thế là quân ta đã toàn thắng/ Toàn thắng là vì rất cố gắng”. Qua đó động viên quân và dân ta vững tin ở sự lớn mạnh của mình để tiến lên xây dựng đất nước. Có thể nói rằng bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ là một tiếp nối những áng văn chương ghi lại những mốc son, những chặng đường lịch sử gian khổ, ác liệt và hào hùng của dân tộc, đồng thời là những tác phẩm có ý nghĩa sống mãi cùng thời gian.
Điện Biên Phủ luôn là đề tài và nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác văn học. Ảnh tư liệu |
Viết về sự kiện này còn có tác giả Tố Hữu - người được ví như cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác của ông có rất nhiều thi phẩm tiêu biểu mà không thể không nhắc tới chính là ba bài thơ cùng ra đời năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (5/1954), Ta đi tới (8/1954) và Việt Bắc (10/1954).
Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên được tác giả sáng tác ngay trong buổi chiều 7/5/1954, khi nghe tin quân và dân ta toàn thắng. Với khí thế tưng bừng, từng câu thơ đã diễn tả lại năm tháng gian lao, khổ cực nhưng tràn ngập khí thế anh hùng và niềm vui chiến thắng, trên hết là ý chí kiên cường, bất khuất: Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!... để đem lại thanh bình ấm no cho nhân dân “Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam /Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam /Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...
Khác với “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, trong “Ta đi tới”, tác giả đã khái quát khí thế hào hùng của cả dân tộc: Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa/ Chúng nó chẳng còn mong được nữa/ Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng/ Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn/ Đã bước dưới mặt trời cách mạng… Thời điểm đó là lúc đất nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh, đường cách mạng đang rộng mở. Cảm xúc thời đại, cảm xúc của dân tộc lúc ấy là niềm vui bất tận được bước trên con đường chiến thắng. Đặc biệt nhất ở bài Ta đi tới, tác giả đã dựng được một tượng đài chiến thắng của con người Việt Nam sau chiến dịch Điện Biên với một chiều kích rộng lớn mang tầm vóc sử thi, thể hiện ý chí như biển Đông trước mặt cùng sức mạnh điệp điệp trùng trùng của những đoàn quân ra trận: “Ta đi tới trên đường ta bước tiếp/ Rắn như thép, vững như đồng/ Quân đội ta trùng trùng điệp điệp/ Cao như núi, dài như sông/ Chí ta lớn như biển Đông trước mặt”. Có thể thấy, với những lời thơ đanh thép, Tố Hữu đã thể hiện được cảm xúc của cả dân tộc trước bước chuyển quan trọng của vận mệnh đất nước.
Tập thơ Việt Bắc. Nguồn ảnh: vtmonline.vn |
Tiếp nối mạch nguồn cảm hứng trữ tình - chính trị, bài thơ Việt Bắc ra đời vào tháng 10/1954. Bài thơ đã có vinh dự được lấy làm tên chung cho cả tập thơ Việt Bắc, một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ là những hồi tưởng để ôn lại một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng, thể hiện nghĩa tình sâu nặng, tấm lòng thủy chung son sắt của những người con kháng chiến đối với nhân dân Việt Bắc, với quê hương cách mạng, đồng thời thể hiện niềm tin yêu của nhân dân với Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tuy trong bài thơ, tác giả chỉ có hai câu trực tiếp viết về Điện Biên: “Tin vui chiến thắng trăm miền/ Hòa bình Tây Bắc, Điện Biên vui về” nhưng cảm hứng sử thi về chiến dịch Điện Biên, âm vang về Điện Biên thì vẫn lan tỏa mạnh mẽ qua hình ảnh những đoàn quân trùng điệp, những đoàn dân công đỏ đuốc với “bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay” đầy hào khí.
Bên cạnh những áng thơ bất hủ còn có những tác phẩm văn xuôi xuất sắc việt về chiến thắng Điện Biên. Trước hết có thể nhắc đến là nhà văn Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm Sông Đà, ông đã nói lên những trăn trở, suy tư trước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ bởi tác giả từng trải qua thời gian khá dài sống tại Điện Biên, gần gũi với các gia đình quân nhân ở vùng Tây Bắc và cả nhân dân địa phương từ đó có cái nhìn chân thực, khách quan nhất để viết về Điện Biên, về Tây Bắc.
Ngoài ra còn có cuốn tiểu thuyết “Bốn năm sau” của Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm được sáng tác năm 1959, nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở chiến trường Điện Biên Phủ. “Bốn năm sau” phác họa những nét hồi sinh tại vùng đất chiến trường xưa, đồng thời gợi lên những ước mơ và cả những tâm tư của bao người một thời cầm súng chiến đấu.
Cùng rất nhiều tác phẩm khác với đề tài về Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.com.vn |
Tiếp đó phải kể đến là rất nhiều tác phẩm khác như: Người người lớp lớp, Cao điểm cuối cùng, Truyện một người bị bắt, Trong này Điện Biên, Dòng sông, Chiến đấu sau hỏa tuyến, Thồ lên Điện Biên, Đằng sau phía trước...
Ở phía bên kia - những người thua trận cũng có rất nhiều tác phẩm văn học về Điện Biên Phủ, một số đã được dịch và phát hành trong nước như cuốn hồi ký Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm của tác giả Erwan Bergot, Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục của Bernard B.Fall hay Đông Dương hấp hối và Thời điểm của những sự thật của tác giả Henri Navarre…
Có thể nói rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ dù đã qua hơn 60 năm nhưng những sáng tác văn học về đề tài này với khối lượng lớn đã góp phần tôn vinh chiến công vĩ đại và tinh thần vinh quang bất diệt của dân tộc. Mỗi tác phẩm dù là thơ ca hay tiểu thuyết đều có giá trị lịch sử, cung cấp cho độc giả những khía cạnh khác nhau về chiến dịch Điện Biên. Đặc biệt trong số đó có những tác phẩm với giá trị nghệ thuật cao, in đậm dấu ấn trong tiến trình văn học Việt Nam, có khả năng trường tồn cùng âm vang của chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó chứng tỏ sự truyền cảm, đi vào lòng người và sức sống bất diệt để mỗi lần đọc lại, mỗi người lại cảm thấy rạo rực niềm vui, niềm tự hào về đất nước.
T.T