(Tổ Quốc) - Chưa đầy 2 năm kể từ ngày Quốc hội khóa XV bắt đầu bước vào những ngày làm việc đầu tiên, đất nước đã trải qua nhiều sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh đó, bằng những quyết sách đúng đắn chưa từng có trong tiền lệ được đưa ra một cách kịp thời, sát với thực tiễn cuộc sống, Quốc hội đã chứng minh cho cử tri và nhân dân thấy một hình ảnh về sự đổi mới, quyết liệt và linh hoạt.
Khởi đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, đây là năm mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bắt đầu bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII. Thời điểm đó, đất nước đang trong những ngày "căng mình" chiến đấu với dịch, bệnh COVID-19- một cuộc chiến đầy cam go, thử thách mà những "kẻ thù vô hình" đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người và của cho cả thế giới và Việt Nam.
Làm hết việc chứ không phải làm hết giờ
Đây là thời điểm thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang bước vào đợt cao điểm của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Thời điểm đó, dù rất háo hức để được dự Kỳ họp đầu tiên nhưng trên cương vị là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã phải viết đơn xin rút để ở lại tham gia công tác phòng chống dịch.
Trong cuộc họp để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã quán triệt, các đại biểu chỉ được di chuyển giữa nơi làm việc và nơi ở trong thời gian diễn ra kỳ họp, trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội mà địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16, Văn phòng Quốc hội bố trị ở khách sạn riêng và xe riêng đưa đón từng Đoàn.
Các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm những ngày đó còn được bố trí phòng họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội và các khách sạn, nhà khách để phục vụ công tác chỉ đạo công việc cần thiết, nhất là công tác phòng, chống dịch. Nhắc lại như vậy để hiểu rằng, Quốc hội đã có những ngày đầu tiên gian khó như thế nào.
Chỉ ít ngày sau khi bước vào Kỳ họp chính thức, để khắc phục bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra, những quyết sách kịp thời được đưa ra từ nghị trường đã khẳng định tinh thần hành động, chung tay của Quốc hội, được cử tri và nhân dân ghi nhận. Đó cũng là những bước khởi đầu cho một nhiệm kỳ Quốc hội dựa trên phương châm kế thừa và tiếp tục đổi mới.
Với phương châm "nhanh nhất, ngắn nhất và đảm bảo chất lượng nhất" và "làm hết việc chứ không làm hết giờ", Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo rút ngắn thời gian họp từ 12 ngày xuống còn 9 ngày để lãnh đạo các địa phương về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Việc rút ngắn thời gian nhưng chất lượng kỳ họp không vì thế mà bị ảnh hưởng, bởi các cơ quan giúp việc, tham mưu của Văn phòng Quốc hội đã làm việc ngày đêm, cả thứ 7, Chủ nhật, để các nội dung được tiến hành đầy đủ, đảm bảo thời gian cho các đại biểu nêu ý kiến đóng góp, phản biện trong mỗi buổi thảo luận.
Và những ngày đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc không kể giờ giấc, không có ngày nghỉ. Có những hôm, phòng làm việc của Ủy ban vẫn sáng đèn đến tận 3 - 4 giờ sáng, còn những hôm làm việc đến 8-9 giờ tối thì đếm không nổi.
Có thể thấy, việc bổ sung ngày Chủ nhật vào thời gian làm việc chính thức của kỳ họp có lẽ là quyết định hiếm hoi từ trước đến nay của Quốc hội, điều đó đã một lần nữa thể hiện tinh thần "làm hết việc chứ không phải làm hết giờ", sự linh hoạt, khẩn trương, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Quyết định rút ngắn thời gian được đưa ra đúng vào thời điểm các đại biểu Quốc hội đang tiến hành thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có thể thấy, trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang tấn công dữ dội, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì thời gian không chỉ là của cải vật chất, mà còn liên quan đến tính mạng của người dân.
Rút ngắn thời gian cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội trong việc chung tay cùng Chính phủ tập trung phòng chống dịch, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho người dân, lo an nguy cho xã tắc. Đây là quyết định đúng đắn, sát với đòi hỏi của thực tế và thể hiện rất cao trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân vào thời điểm đó.
Tư duy đột phá từ Người đứng đầu Quốc hội
Thực tiễn đã chứng minh một điều, bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào, nếu muốn phát triển bắt buộc phải không ngừng tự đổi mới. 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội cũng đã cho thấy những sự chuyển mình, đổi mới một cách rõ rệt vì sự phát triển vững mạnh của đất nước... Và kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sự đổi mới đó lại càng được khẳng định, nhân lên một cách mạnh mẽ hơn. Đó cũng là phương châm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay từ khi nhậm chức đã khẳng định chính là "kim chỉ nam" xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ.
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi khóa Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó. Tổng Bí thư cũng gợi mở những định hướng lớn, quan trọng và mong muốn Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cụ thể hóa ngay trong kỳ họp thứ Nhất, một kỳ họp mang nhiều dấu ấn của sự sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, nhận được sự đồng tình ủng hộ, để lại ấn tượng đẹp đẽ trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.
Tại kỳ họp này, để tạo khung khổ pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với phương châm "chống dịch như chống giặc", Quốc hội đã quyết định bổ sung nội dung về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ Nhất.
Theo đó, Quốc hội đã quyết định trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khi ban bố tình trạng khẩn cấp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh từ trước đến nay, một số giải pháp mang tính cấp bách, vượt quá thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi phải mất thời gian để Quốc hội quyết định dẫn đến bỏ lỡ mất "thời gian vàng" trong công tác phòng chống dịch.
Việc Quốc hội trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định các giải pháp phòng chống dịch cũng là một việc mà trước nay chưa hề có tiền lệ. Trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc" thì những quyết định trên càng thể hiện tinh thần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết, bao nhiêu lợi ích đều thuộc về nhân dân.
Vẫn còn nhớ, trong bài phát biểu nhậm chức hơn 1.300 chữ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã sáu lần nhắc đến từ đổi mới. Phải khẳng định, đổi mới trong tư duy, trong hành động để đưa ra những quyết sách đúng có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm đất nước đang đứng trước những khó khăn do dịch bệnh. Chỉ có như vậy mới giúp đất nước, nhân dân yên bình để đón những thời cơ, vận hội mới phía trước.
Những thông điệp mạnh mẽ, sự quyết đoán từ Người đứng đầu của Quốc hội, sự đoàn kết đồng lòng từ một tập thể gần 500 đại biểu Quốc hội được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị có thêm niềm tin, kỳ vọng để tự tin vượt qua mọi gian nan, thử thách, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Và ngay trong Kỳ họp thứ nhất, trong bối cảnh vô cùng đặc biệt ấy, xuất phát từ sức mạnh tập thể của Quốc hội dựa trên nền tảng tư duy đổi mới của Người đứng đầu- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 30 của Quốc hội đã ra đời để làm tiền đề cho Chính phủ xây dựng các quyết sách kịp thời, đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bài 2: Sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử