• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dấu ấn tích cực trong công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội

Thời sự 07/01/2021 13:51

(Tổ Quốc) - Cải cách hành chính tiếp tục được coi là một trong những điểm sáng của Thủ đô Hà Nội trong năm 2020 với những kết quả, dấu ấn tích cực. Thành phố đã tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện cải cách hành chính với phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc – một đầu mối xuyên suốt”...

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Những năm gần đây, Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.

Ngày 23/12/2019, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 7216/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2020 của Thành phố Hà Nội. Kế hoạch CCHC năm 2020 của Thành phố đã xác định rõ yêu cầu, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020 của Thành phố đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; gắn với Chủ đề công tác năm 2020 của Thành phố" Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 – 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp"và phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2020; triển khai đúng, đủ, toàn diện các nội dung của Kế hoạch phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Dấu ấn tích cực trong công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: Nam Nguyễn

Thành phố tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện CCHC với phương châm 05 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả", "một việc – một đầu mối xuyên suốt" nhằm triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố để thực hiện hiệu quả công tác năm 2020 của Thành phố; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Thành phố đã tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội (SIPAS).

Kết quả CCHC của Thành phố được Trung ương ghi nhận, đánh giá rất cao, Chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội năm 2019 tiếp tục xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục ổn định và duy trì thứ hạng cao của năm 2018. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, đây là năm thứ 2 thành phố Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC. Tích cực triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, tăng cường triển khai DVCTT mức độ 3, 4; Ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở pháp pháp lý quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, xây dựng TTHC liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Thành phố đã ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực từ 14/10/2020. Việc ban hành Quy định này, sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố chủ động kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị linh hoạt, hiệu quả và nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố qua dịch vụ bưu chính công ích và qua DVCTT, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và giảm đi lại của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đặc biệt trước tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2020, Thành phố đã đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, chỉ đạo, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua tổ chức thi tuyên truyền quy tắc ứng xử, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị.

Công tác cải cách tài chính công tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Thành phố đã được Quốc Hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố có thể thực hiện thành công chính quyền đô thị, khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách tài chính công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Nhiều sáng kiến, giải pháp trong cải cách hành chính

Trong thời gian tới, công tác cải cách hành chính tiếp tục được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Dấu ấn tích cực trong công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Thành phố đặt mục tiêu xây dựng và và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình CCHC giai đoạn 2021 -2030 của Chính phủ thành Chương trình, Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch CCHC năm, góp phần thực hiện thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PARINDEX).

Tập trung tổ chức triển khai Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội thực hiện từ 01/7/2021).

Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân qua các hình thức tổ chức các cuộc thi, đối thoại với người dân, tổ chức. Nâng cao chất lượng các nội dung, chú trọng tuyên truyền về những giải pháp, lợi ích mà các cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn; nêu gương các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác CCHC.

Thực hiện rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL; phối hợp với Bộ Ngành Trung ương, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất thông qua các quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính - ngân sách, đất đai, nhằm đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; hoàn thành xây dựng quy trình nội bộ, quy trình phối hợp, quy trình liên thông giữa các cấp, các ngành trong giải quyết công việc và giải quyết TTHC, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, đầu tư, lao động thương binh và xã hội.

Tập trung rà soát, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả của các cơ quan, đơn vị; thực hiện phân cấp mạnh mẽ về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp phòng và trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc các Sở, ban, ngành, UBND quận huyện thị xã.

Cùng với đó, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dựng CNTT trên các lĩnh vực cải cách theo hướng hiện đại hóa trong quản lý, điều hành và phục vụ của các cơ quan nhà nước, mở rộng, nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết TTHC.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ