(Tổ Quốc) - Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân.
Nhìn nhận một cách khách quan, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra thành công, tốt đẹp trước hết là nhờ Quốc hội đã lựa chọn đúng và trúng bốn nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, đó là: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục đào tạo; Kế hoạch đầu tư.
Việc chọn đúng và trúng các lĩnh vực để chất vấn các thành viên Chính phủ cũng một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội.
Trong bài phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng nay (12/11), điều đầu tiên mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đó là, việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước đây, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Trong suốt thời gian 2,5 ngày qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra trên tinh thần rất dân chủ, cởi mở và thẳng thắn. Với 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, nhiều vấn đề "nóng" mà cử tri quan tâm được đưa ra tại nghị trường Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, đi thẳng vào những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu.
Dù là lần đầu tiên điều hành một phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã để lại dấu ấn bằng sự linh hoạt, chủ động, khoa học và khả năng bao quát trong từng nhóm vấn đề được đại biểu chất vấn.
Để các thành viên Chính phủ không bị lúng túng bởi quá nhiều câu hỏi một lần, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu mỗi đại biểu khi tham gia chất vấn đặt câu hỏi ngắn, đi thẳng vào vấn đề, đại biểu sau không hỏi lại câu hỏi của đại biểu trước. Thời gian đặt câu hỏi dưới 1 phút. Mỗi lần hỏi chỉ từ 3-4 đại biểu để người đăng đàn trả lời chất vấn nắm hết các vấn đề.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn vừa qua đã không còn tình trạng đại biểu hỏi một đàng, Bộ trưởng trả lời một nẻo. Không ít lần trong phiên chất vấn, ông đã "cắt ngang" khi Bộ trưởng có dấu hiệu "lạc đề" nhằm hướng tư lệnh ngành trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu. Sự bao quát trong điều hành chất vấn cũng được Chủ tịch Quốc hội thể hiện rất rõ khi ông gợi mở thêm nhiều vấn đề để các Bộ trưởng quan tâm trả lời thêm.
Nhiều nhóm vấn đề "nóng" được chất vấn nhưng trong phạm vi một Bộ trưởng không thể trả lời tường tận, ông cũng yêu cầu thêm các Bộ trưởng khác tham gia để làm rõ và tìm giải pháp tháo gỡ như các vấn đề: vi phạm của các giám đốc bệnh viện, trục lợi khi vận động từ thiện, học sinh học trực tuyến…
Được biết, trong phiên chất vấn vừa qua, cùng với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ có liên quan, đã có 13 lượt ý kiến tham gia làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một lần nữa cử tri thấy được dấu ấn, sự lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội./.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương): Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành rất linh hoạt, không máy móc. Để tăng tính đối thoại trong hội trường, tất cả đại biểu tranh luận đều được mời . Có những nội dung đại biểu hỏi nhiều khiến Bộ trưởng có thể trả lời chưa hết, chưa trúng, Chủ tịch Vương Đình Huệ với vai trò điều hành đã rất linh hoạt, nhắc các Bộ trưởng những nội dung cần trả lời để các đại biểu đều cảm thấy hài lòng với câu trả lời.
Trong quá trình điều hành, để tăng hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất điều chỉnh tối đa mỗi lần 3 đại biểu nêu câu hỏi để các bộ trưởng, trưởng ngành có thể ghi nhớ đầy đủ những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Rút kinh nghiệm từ các lần trước về việc tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu không dùng quyền tranh luận để tranh thủ đặt câu hỏi chất vấn và tiến hành tranh luận với bộ trưởng chứ không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau./.