Tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO được tổ chức tại Hàn Quốc, 2 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là hát nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam và hát xoan Phú Thọ đã được vinh danh với sự đồng thuận cao từ các quốc gia thành viên, để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là niềm tự hào của di sản Việt Nam.
Bài chòi - Nghệ thuật bắt nguồn từ lao động
Nghiên cứu nguồn gốc bài chòi, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật này chia sẻ, đến nay vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi.
Bài chòi - Nghệ thuật bắt nguồn từ lao động. |
Song có thể khẳng định rằng, trò chơi đánh bài chòi và hát dân ca bài chòi đã có lịch sử hàng trăm năm ở các tỉnh Nam Trung bộ, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân bản địa. Dần dà, bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền trên dải đất miền Trung.
Là một người đặc biệt yêu mến bài chòi, nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng vô cùng vui mừng khi đón nhận tin bộ môn nghệ thuật này được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông chia sẻ, đã có những ý kiến cho rằng, bài chòi cũng là một hình thức “bài bạc”, song thực thế lại không phải vậy. Mỗi lá bài chỉ có chức năng như một lá thăm xếp lượt, còn mỗi người chơi, lượt chơi muốn sinh động, hấp dẫn đều phải có vốn kiến thức về văn hóa, âm nhạc dày dặn.
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông phân tích: “Bài chòi xuất phát từ trò chơi bài lá, mang tính ăn thua, may rủi thuần túy đã kết hợp với thơ ca, âm nhạc, diễn xướng, ứng tác… trở thành một nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc. Từ trò chơi bình dân, qua thời gian, bài chòi phát triển lên cấp độ văn hóa nghệ thuật của cả giới trí thức, quan lại. Ngoài ra, quân bài trong trò bài chòi cũng mang giá trị nghệ thuật cao”.
Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi nghệ thuật dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và cổ vũ. Ý nghĩa của nó còn vượt ra khỏi một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đơn thuần là nơi người nghệ nhân trổ tài ứng tác và biểu diễn, vừa hát, đối đáp; và đặc biệt hội đánh bài chòi, diễn bài chòi còn là môi trường giao tiếp cộng đồng tích cực.
Đây cũng chính là một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt của nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam so với các di sản văn hóa phi vật thể khác. Tại thời điểm này, di sản đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt dành cho du khách khi đến với nhiều tỉnh, thành miền Trung như Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa…
Chiến thắng kép của di sản hát xoan
Chỉ vài giờ sau tin mừng của nghệ thuật bài chòi, di sản hát xoan của Phú Thọ cũng đã ghi được chiến thắng kép khi Chủ tịch kỳ họp lần thứ 12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức gõ búa, đưa di sản hát xoan từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với sự đồng thuận rất cao của các quốc gia thành viên.
Hát xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Việt Nam, cũng là đầu tiên trên thế giới được đệ trình UNESCO đề nghị đưa khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp; đồng thời là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Đó là màn bứt phá ngoạn mục”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bày tỏ.
Hát xoan có sức lan tỏa ngày càng mạnh. |
Để có những lần đầu tiên này, hơn 6 năm qua, Phú Thọ đã nỗ lực hết mình. “Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa 31 bài cơ bản của 3 chặng hát xoan do các nghệ nhân nắm giữ làm tài liệu giảng dạy. Có thể nói, đây là một cách ứng xử với di sản mà không phải tỉnh nào cũng có được. Họ rất coi trọng hát xoan, đã đầu tư sức người sức của, trí tuệ, để từ chỗ người Phú Thọ chỉ lác đác biết thế nào là hát xoan thì giờ đây toàn dân Phú Thọ đều biết đó là sản phẩm văn hóa đặc sản…”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở VHTTDL Phú Thọ, năm 2009 trong số 31 nghệ nhân cao tuổi (từ 80 - 104 tuổi) của tỉnh, chỉ có 7 nghệ nhân còn khả năng thực hành, truyền dạy xoan cổ, đến nay con số này đã là hơn 60 nghệ nhân. Cách đây 6 năm, từ chỗ khán giả hầu như không biết đến di sản hát xoan, giờ hát xoan đã len lỏi vào trường học, khúc chiết ở đình làng...
Cùng với tin vui của nghệ thuật bài chòi và hát xoan của Phú Thọ, tới thời điểm này, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa đại diện của nhân loại và 1 di sản vẫn nằm trong danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO công nhận, là ca trù. Mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng, bởi tâm lý sính danh hiệu đang ít nhiều phá vỡ những giá trị nguyên bản của di sản. Vì thế, để di sản tiếp tục được bảo tồn, lan tỏa cần có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của chính các đơn vị quản lý, nhà nghiên cứu và trách nhiệm của chính cộng đồng đang nắm giữ di sản.
Theo Sài Gòn Giải Phóng