(Tổ Quốc) - Tại SEA Games 31 tới đây, Đấu kiếm Việt Nam sẽ tham dự tổng cộng 12 nội dung gồm 6 nội dung cá nhân và 6 nội dung đồng đội. Với lực lượng nhân sự chất lượng, tuyển Đấu kiếm hướng tới 3 HCV.
Tại SEA Games 31 tới đây, Đấu kiếm Việt Nam sẽ tham dự tổng cộng 12 nội dung gồm 6 nội dung cá nhân và 6 nội dung đồng đội. Mục tiêu của thầy trò HLV Phạm Anh Tuấn (HLV trưởng tuyển Đấu kiếm Việt Nam) ở kỳ đại hội tới đấy là 3 HCV. Đây là mục tiêu được đánh giá là vừa sức với tuyển Đấu kiếm Việt Nam trong bối cảnh các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á đều tỏ ra đáng gờm.
Theo đánh giá của HLV Phạm Anh Tuấn, nếu đánh giá tổng quan, Singapore là quốc gia đứng đầu về Đấu kiếm trong khi vực khi nhắm đến cạnh tranh HCV ở 5 nội dung. Trong khi đó, Thái Lan và Inodnesia đều đặt mục tiêu cạnh tranh ở 2 nội dung. Còn Việt Nam vào khoảng 2-3 nội dung có thể giành vàng.
"Việt Nam, Singapore và Thái Lan có trình độ khá tương đồng ở nội dung kiếm 3 cạnh nam. Trong 2, 3 kỳ SEA Games gần đây, chúng ta đều cạnh tranh gắt gao với 2 nước này. Còn ở nội dung 3 cạnh của nữ thì chủ yếu là Việt Nam và Singapore. Dù vậy, các nước khác có thể trở thành ngựa ô" - HLV Phạm Anh Tuấn phân tích.
Phân tích tiếp ở nội dung kiếm chém nam, HLV Phạm Anh Tuấn cho rằng, đây là cuộc tranh chấp sòng phẳng giữa Thái Lan và Việt Nam. Còn kiếm chém nữ thì có thêm sự góp mặt của Singapore. Do đó, Việt Nam nằm trong top huy chương đồng ở nội dung này.
"Nội dung kiếm liễu, Singapore vẫn giữ ngôi vị số 1 qua nhiều năm khi đây là nội dung được quốc đảo Sư tử đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Trong quá khứ, các VĐV của Singapore từng lọt vào vòng 1/8 chung kết thế giới" - HLV Phạm Anh Tuấn nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, dù gặp không ít ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng tuyển Đấu kiếm Việt Nam đã hoàn thiện các công tác chuẩn bị và sẵn sàng bước vào hành trình "săn vàng" tại SEA Games 31.
Trong suốt đợt dịch Covid-19 vừa qua, toàn đội tuyển Đấu kiếm đã thực hiện cấm trại tuyệt đối, các VĐV chỉ tập luyện và sinh hoạt trong cùng một khu, không ra ngoài, giống như mô hình bong bóng nhưng vẫn có người bị bệnh. Dù vậy, việc cách ly, điều trị kịp thời đã giúp toàn đội nhanh chóng trở lại tập luyện.
Vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cũng được các thành viên trong BHL giải quyết triệt để, bằng sự động viên, phân tích khoa học. Sau 1-2 tuần thì các VĐV cân bằng trở lại và tinh thần đã trở lại quỹ đạo.
Lực lượng nhân sự của tuyển Đấu kiếm tại kỳ đại hội năm nay được đánh giá có chất lượng tốt khi kết hợp giữa các VĐV nhiều kinh nghiệm và lứa VĐV trẻ có triển vọng. Bên cạnh sự hỗ trợ từ những đàn anh đi trước như Vũ Thành An, các VĐV trẻ còn nhận được sự giúp sức từ những VĐV đã nghỉ thi đấu như Nguyễn Thị Lệ Dung hay Nguyễn Thị Như Hoa...
"Vũ Thành An vẫn đang duy trì ở đỉnh cao. Ở tầm Đông Nam Á bây giờ thì An chắc chắn vẫn là số 1 hoặc số 2. Với phong độ và sự rèn luyện được duy trì đều đặn, 3 năm nữa An vẫn đủ khả năng vào chung kết SEA Games. Về lớp kế cận của nam, chúng ta có những VĐV trẻ hơn đã tiệm cận đến trình độ của An như Xuân Lợi, Đức Anh, Văn Quyết.... Các bạn ấy đều có thể gánh vác trong 2-3 năm tới. Còn lứa VĐV trẻ hơn, chúng tôi đánh giá có 5 em tiềm năng nhưng vẫn còn quãng đường xa để đi" - HLV Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, đối với các kiếm thủ nữ, HLV Phạm Anh Tuấn cho biết, chủ lực ở kỳ đại hội năm nay sẽ là kiếm 3 cạnh với 3 cái tên gồm Nguyễn Phương Kim, Vũ Thị Hồng và Nguyễn Thị Trang. Đây là lứa VĐV được đào tạo bài bản trong một thời gian dài để hướng tới mục tiêu lấy lại vị thế kiếm 3 cạnh nữ của Việt Nam.
Sau lứa VĐV "cuối 9x", tuyển Đấu kiếm Việt Nam cũng sở hữu một lứa VĐV sinh năm 2002-2005. Theo lời HLV Phạm Anh Tuấn, các VĐV này đều có thể giành huy chương ở các giải trẻ. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ SEA Games thì vẫn còn phải đầu tư rất nhiều.