(Tổ Quốc) - Số lượng người trẻ phải nhập viện do các rối loạn tâm thần đang ngày một tăng nhanh trong những năm gần đây. Từ thực tế này, các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm và nghiêm túc hơn nữa đến sự phát triển tâm lý cũng như suy nghĩ của trẻ.
Những câu chuyện đau lòng
Gần đây, những câu chuyện đau lòng như học sinh ở lứa tuổi cấp 2, 3 bị trầm cảm, đi đến quyết định tự tử vì quá áp lực chuyện học hành, thi cử, không đáp ứng được sự kỳ vọng của gia đình đã không còn là câu chuyện hiếm.
Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đang được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ thành đạt, với gương mặt thông minh, T.Q.Đ (16 tuổi, Bắc Giang) chính là niềm kỳ vọng rất lớn. Suốt 4 năm cấp 2, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, được bàn bè, thầy cô hết sức yêu quý.
Chẳng ai ngờ được rằng, khi lên cấp 3, kết quả học tập của Đ. giảm sút và xuất hiện những biểu hiện như hay khóc, cáu giận vô cớ, ngại tiếp xúc. Cậu bé này thường xuyên mất ngủ, cảm xúc thất thường, thậm chí còn phản kháng lại khi bị gia đình thúc ép học tập.
Quá lo lắng cho con mình, gia đình Đ. đã đưa em đi khám tại bệnh viện, các bác sĩ sau đó đã kết luận em bị rối loạn tâm thần do áp lực học tập. Sự kỳ vọng quá lớn của gia đình khiến cho Đ. rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Cùng hoàn cảnh tương tự như Đ. là trường hợp của em T.T.H ở Hòa Bình. H. là con gái út trong một gia đình có 2 anh bị nhiễm chất độc do chiến tranh. Chính vì vậy, mọi áp lực cuộc sống, học hành đều đổ dồn lên vai em.
Tuy nhiên, chính sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ đã khiến H. luôn bị ám ảnh, sợ hãi khi nói đến chuyện học hành. Đến khi thấy biểu hiện buồn bã, mất ngủ kéo dài thì gia đình mới đưa H. đến điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần.
Ngoài chuyện áp lực học hành thì mạng xã hội hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Doãn Phương cho biết, viện vừa tiếp nhận một trường hợp học sinh nam (14 tuổi) trong tình trạng co giật phân ly.
Người nhà cho biết, cháu bé sử dụng mạng xã hội rất nhiều, trung bình phải 10 tiếng/ngày. Mỗi lần đi học về là em lại trốn trong phòng để sử dụng Facebook. Gia đình thấy vậy đã thu điện thoại và cấm cháu sử dụng mạng xã hội. Không ngờ rằng, nam sinh này bỗng xuất hiện co giật ngay sau đó nên đã được người nhà đưa đi khám.
"Liều thuốc" tốt nhất là sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), nước ta hiện nay có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về tâm lý, tâm thần. Con số này cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Thống kê từ Viện Sức khỏe Tâm thần, trong năm qua Viện đã điều trị ngoại trú khoảng 18.000 bệnh nhân trầm cảm.
Các chuyên gia y tế khẳng định rằng, trong các rối loạn tâm thần thì tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng gia tăng khá nhanh. Trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh thì nay đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm do nguyên nhân từ các vấn đề xã hội.
Nhằm giúp trẻ phòng tránh nguy cơ bị rối loạn tâm thần, các bác sĩ tâm thần học cho rằng "liều thuốc" tốt nhất là cha mẹ cần chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu những suy nghỉ của con cái. Đặc biệt, không nên đặt quá nặng thành tích học tập, cuộc sống.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, trong giai đoạn vị thành niên, nếu thất bại trong việc khẳng định bản thân thì trẻ sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng tiêu cực, tư tưởng tuyệt vọng dễ tìm đến cái chết. Chính vì vậy, vai trò của phụ huynh trong giai đoạn này là rất quan trọng.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, cha mẹ, thầy cô cần phải lắng nghe, tôn trọng và chia sẻ với những khó khăn, áp lực của trẻ. Chỉ khi nào được trẻ tin tưởng, tâm sự thì khi đó mới có thể giúp trẻ tránh xã các rối loạn tâm thần.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Viện Sức khỏe Tâm thần, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, chú ý đến biểu hiện của con mình hằng ngày. Khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường, cần đưa con mình đến cơ sở y tế chuyên về tâm thần để điều trị sớm.
Các bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu can thiệp sớm ở thời gian đầu, trẻ chỉ cần được nghỉ ngơi, giảm các tác nhân gây sức ép để có được tinh thần thoải mái. Ở trường hợp nặng hơn thì phải dùng thuốc để điều trị, thậm chí phải nằm viện vài tháng đến vài năm tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân./.