• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dầu lẫn vào trong nguồn nước mà không có thiết bị lọc, xử lý thì nó sẽ tồn tại mãi

Thời sự 15/10/2019 10:09

(Tổ Quốc) - Liên quan đến vụ việc nước thượng nguồn cung cấp cho hàng ngàn hộ dân Hà Nội bị ô nhiễm dầu thải, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, dầu một khi đã phân tán vào nước thì rất khó có thể xử lý.

Dầu lẫn vào nước rất khó để xử lý

Trước sự việc ô nhiễm dầu thải tại thượng lưu Sông Đà, cuộc sống của hàng ngàn cư dân tại thành phố Hà Nội gần như bị đảo lộn. Nhiều nơi như khu đô thị Linh Đàm và một số vùng phía Tây Hà Nội, người dân không dám sử dụng nguồn nước máy vẫn dùng hằng ngày.

nguyen-duy-thinh

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Đặc biệt, tâm lý chung của đa số người dân đó là lo ngại về sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình. Nhiều người cũng bày tỏ sự lo lắng khi với số lượng lớn dầu thải đã đổ vào Sông Đà, liệu Nhà máy nước sạch Sông Đà có thể lọc được hết số dầu này trong thời gian sớm nhất.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, việc lọc nước bị nhiễm dầu khó hơn nhiều so với lọc loại vật chất khác. Dầu bị lẫn vào trong nguồn nước mà không có thiết bị lọc hay xử lý thì sẽ tồn tại mãi. Đặc biệt, dầu khi bị phân tán vào nước sẽ tạo ra mùi cực khó chịu và rất khó có thể xử lý.

So sánh giữa việc lọc dầu và các loại vật chất đơn thuần khác ra khỏi nước, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh rằng lọc dầu sẽ khó hơn rất nhiều. Những tạp chất vô cơ như cát sỏi, thậm chí nước sông Tô Lịch dù đen kịt nhưng lại rất dễ xử lý.

"Dầu bản thân là loại hoạt chất khó xử lý, xử lý bằng phương pháp hóa học cũng khó mà phải dùng biện pháp hấp thụ mới tách được. Tuy nhiên, với cả số hượng hàng nghìn mét khối nước thì không thể thực hiện bằng biện pháp này được vì nó rất đắt đỏ" – ông Thịnh cho hay.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, dầu là một chất lạ đối với cơ thể người nên người dân thời điểm này nên dừng sử dụng nước có mùi lạ, đợi đến khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ rồi hãy sử dụng.

Nếu doanh nghiệp biết nước ô nhiễm mà vẫn cung cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm

Trước đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, ở vùng thượng lưu Sông Đà (nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy xử lý nước sạch cung cấp cho Hà Nội), người dân phát hiện có 1 chiếc xe tải đã đổ trộm dầu thải vào khu vực địa bàn xã Phúc Tiến, Phú Minh.

Ngay sau đó, nhà máy xử lý nước thải đã phát hiện trên mặt kênh dẫn vào nhà máy có lớp váng dầu và đã thuê công nhân vớt dầu loang trên mặt kênh dân. Hiện tại, đã thu gom và lấy mẫu kiểm tra phân tích. Sở này cũng đang điều tra và làm rõ việc đổ trộm cũng như nguyên nhân chính thức gây ra việc bốc mùi.

Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi nhận được thông tin nước sinh hoạt của  nhiều người dân Hà Nội có mùi lạ, Bộ đã chỉ đạo các Sở, đơn vị liên quan vào cuộc điều tra làm rõ.

Trong buổi sáng 14/9, Tổng cục Môi trường đã cử đoàn kiểm tra phối hợp với các sở để điều tra nguyên nhân, hiện đang chờ kết quả từ cơ quan chức năng. Ông Thức khẳng định, nếu doanh nghiệp biết nước ô nhiễm mà vẫn cung cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ