(Tổ Quốc) -Sáng 16/8, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức buổi họp để bàn phương án xử lý, khắc phục đình Lương Xá có tuổi đời 300 tuổi ở Ứng Hòa sau khi ngôi đình này tu bổ sai quy định, phá bỏ nhiều cấu kiện gỗ để xây mới bằng bê tông.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các sở, ngành, lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học, Viện bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL), Sở Quy hoạch Kiến trúc…
Đưa ra nhiều giải pháp
Theo Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, việc “đã rồi” trong tu bổ, di tích tại đình thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa là rất “đau lòng”, Sở VHTT Hà Nội đã có ý kiến với UBND huyện và xã, sau đó UBND huyện cũng có văn bản báo cáo thành phố và yêu cầu đình chỉ việc tu bổ.
Toàn cảnh ngôi đình 1 ngày tuổi thay thế ngôi đình 300 năm tuổi |
Ngày 13/8, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm những cá nhân tổ chức liên quan đến việc này. Vấn đề hiện nay cần phải làm ngay là đưa ra phương án khắc phục đối với ngôi đình này.
Theo ông Trương Minh Tiến, sau khi khảo sát, lấy ý kiến của người dân địa phương, các nhà khoa học tạm thời có 3 phương án được đưa ra. Thứ nhất là phá hết công trình đang làm mới, phục dựng lại dáng công trình cũ, tiếp tục sử dụng toàn bộ các cấu kiện gỗ có giá trị; thứ hai, vẫn tiếp tục tu bổ như hiện nay nhưng sẽ dùng thêm các cấu kiện có giá trị của đình cũ; thứ ba, tiếp tục xây dựng như hiện nay, không dùng cấu kiện gỗ mà những cấu kiện có giá trị sẽ được giao cho Bảo tàng Hà Nội đưa về trưng bày trong bảo tàng.
Báo cáo thực trạng xây dựng mới ngôi đình, ông Phạm Tự Khải - Trưởng thôn Lương Xá cho biết, đình Lương Xá đã nhiều lần tu bổ, trùng tu, lần tu bổ lớn gần đây nhất là vào năm 2003, đến nay cũng 15-16 năm, di tích đã xuống cấp, dột nát, nhân dân đã có nhiều ý kiến. Năm 2017, nhân dân thôn Lương Xá đã ngồi bàn và thống nhất mức đóng góp 200.000đ/khẩu.
Tuy nhiên, sau khi lên phương án thi công, dự trù kinh phí lên đến hơn 1 tỷ đồng, UBND xã tiếp tục xin ý kiến của nhân dân. Sau này, nhân dân đóng góp tăng lên và có nhà hảo tâm cùng góp sức, người dân thống nhất là dỡ ngôi đình làm lại. Phương châm đề ra là nếu các cấu kiện gỗ còn tốt đến 70% thì tiếp tục phục dựng đình bằng gỗ, còn nếu không bảo đảm thì sẽ làm bằng bê tông.
Ông Phạm Tự Khải cũng cho biết, với 3 phương án tạm được đưa ra, UBND xã sau khi lấy ý kiến của nhân dân, thống nhất đề xuất khắc phục theo phương án 2: Tiếp tục xây dựng mới 5 gian đại bái bằng bê tông và sử dụng lại một số cấu kiện gỗ giá trị, gắn ở phần đầu dư của các cột bê tông.
Các cột đình bê tông thay thế đình gỗ 300 năm tuổi trước đây |
Địa phương cũng xin phép thực hiện tôn tạo phần hậu cung theo biện pháp là làm bê tông từ phần xà dưới đến cột, từ phần xà trên đến ngói sẽ làm bằng gỗ. Ông Khải cũng đề xuất, địa phương sẽ thực hiện một gian trưng bày những cấu kiện gỗ giá trị ngay tại đình.
Phương án này cũng được ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt đồng tình với lý do đây cũng là nguyện vọng của người dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Liên Bạt cũng trình hồ sơ thiết kế đình Lương Xá do Công ty cổ phần và tư vấn thiết kế Hà Nội thực hiện.
Các nhà khoa học lên tiếng
Tuy nhiên, trái với đề xuất của người dân thôn Lương Xá và UBND xã Liên Bạt, KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích không ủng hộ phương án 1 và 2 với lý do phương án 1 cần quá nhiều kinh phí sẽ khó khả thi; còn nếu thực hiện phương án vừa xây mới vừa gắn cấu kiện gối đỡ vào các đầu dư cột bê tông thì sẽ tạo sự “chênh” cả về cấu trúc, vật liệu và phong cách.
Các cấu kiện gỗ của ngôi đình 300 năm tuổi |
KTS Nguyễn Thành Vinh khẳng định, sai phạm của đình Lương Xá đã rất rõ ràng, vì thế việc xử lý ở đây là giải pháp tháo gỡ tình huống chứ không phải là giải pháp chung cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Việc này cần phải làm rõ để không tạo tiền đề xấu cho những sai phạm sau.
Ông Lê Thành Vinh cho rằng, phương án 3, tiếp tục cho xây ngôi đình như hiện nay nhưng phải bảo đảm kiến trúc của ngôi đình được thực hiện giống nhất có thể so với kiến trúc cũ. Những cấu kiện gỗ có giá trị có thể được trưng bày tại ngôi đình hoặc đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Ông Lê Thành Vinh nhấn mạnh, việc bảo vệ, khôi phục ngôi đình cần phải được làm tổng thể, cả về không gian tín ngưỡng, cảnh quan, môi trường chứ không riêng gì kiến trúc ngôi đình.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích cũng cho rằng, việc vừa xây mới vừa sử dụng cấu kiện gối đỡ ở các đầu dư của cột bê tông chỉ mang tính trang trí chứ không mang vai trò là nâng giữ nên sẽ tạo sự “khập khiễng” giữa các vật liệu và kiến trúc. Vì vậy, phương án tiếp tục cho xây mới và bảo quản cấu kiện để trưng bày là khả thi nhất thời điểm này.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội: Tiếp tục xin ý kiến của lãnh đạo TP về việc tu bổ di tích Đình Lương Xá |
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, vừa xây mới vừa lắp ghép các cấu kiện gỗ là “lố bịch”. Trong tình trạng hiện nay của đình Lương Xá thì chấp nhận xây bê tông nhưng vẫn phải nghiên cứu, giữ gìn các cấu kiện gỗ quý để trưng bày là việc cần làm.
PGS.TS Phạm Mai Hùng nhấn mạnh, sai phạm trong tu bổ, di tích của đình Lương Xá là bài học quá lớn và cần phải nghiêm khắc nhìn nhận để không được xảy ra lần nữa. “Di tích nào cũng tùy tiện tu bổ rồi sau đó lại sửa sai như thế này thì Hà Nội sẽ mất hết di sản”, PGS.TS Phạm Mai Hùng nhấn mạnh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến của lãnh đạo TP về việc này. Việc khắc phục, tu bổ đình Lương Xá tuy gấp gáp nhưng không thể nóng vội, tùy tiện. Việc làm trước mắt là địa phương và người dân cần có phương án giữ gìn các cấu kiện đã bị hạ giải để chờ cơ quan chuyên môn đánh giá lại giá trị, từ đó sẽ có phương án phù hợp nhất./.