(Tổ Quốc) - Ứng xử như thế nào với những di sản có giá trị nhưng chưa được xếp hạng di tích là bài toán không dễ giải.
Nhiều công trình hơn trăm năm tuổi, tuy chưa được kiểm kê, đưa vào Danh mục Di tích lịch sử - Danh thắng ở các địa phương, nhưng rõ ràng giá trị lịch sử, kiến trúc là không thể phủ nhận. Nhưng ứng xử như thế nào với những di sản chưa có danh hiệu này là bài toán không dễ giải.
Hãy bắt đầu từ câu chuyện cây cầu Long Biên. Cây cầu hơn 100 năm nối hai bờ sông Hồng. Cây cầu từng chứng kiến những bước chân cuối cùng của quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội ra Hải Phòng để lên tàu về nước. Cầu Long Biên cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sỹ phòng không Hà Nội, họ đã đặt pháo trên đỉnh cầu để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên và khu Đông Hà Nội. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử suốt 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh của người dân thủ đô. Thế nhưng, đã có một thời kỳ, câu chuyện di dời cây cầu được đặt ra với tư duy của những người chỉ coi cây cầu đơn thuần là một công trình giao thông.
Cầu Long Biên từng có thời kỳ bị đề nghị di dời với tư duy của những người chỉ coi cây cầu đơn thuần là một công trình giao thông (ảnh Hồng Hà) |
Cũng chỉ mới cách đây hơn một năm, câu chuyện dỡ bỏ Nhà máy kẽm Quảng Yên (Quảng Ninh) được đặt ra.
Nhà máy kẽm Quảng Yên do người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Thời điểm cách đây hai năm, chỉ còn lại hai ống khói, một khung nhà xưởng và hai bể nước treo. Công trình ống khói được đánh giá là công trình kiến trúc kỳ vĩ. Khi sang làm việc ở Bảo tàng Công nghiệp Oberhausen (CHLB Đức), Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho các chuyên gia Đức xem các tấm hình giới thiệu về nhà máy kẽm Quảng Yên họ trầm trồ xuýt xoa: “Hóa ra chiến tranh thế giới II tàn phá nhà máy kẽm cổ ở Oberhausen còn nặng hơn so với gì đã diễn ra với nhà máy kẽm ở Quảng Yên. Chúng ta đang rất may mắn còn lại một di sản kiến trúc công nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực. Hãy nên nâng niu và thận trọng với quyết định phá dỡ di sản này!"
Thế nhưng, di sản này nằm trên “đất vàng” nên câu chuyện dỡ bỏ để nhường cho các công trình hiện đại cũng được đặt ra.
Ngay thời điểm này, câu chuyện ứng xử với những di sản chưa có danh hiệu lại tiếp tục “nóng” khi dư luận đang xôn xao việc "xóa sổ" công trình kiến trúc cổ hơn 150 năm tuổi mà người dân TP Hồ Chí Minh quen gọi là Dinh Thượng Thơ. Đây vốn được sử dụng làm trụ sở của Sở TT&TT và Sở Công thương TP.HCM đang được đề xuất đập bỏ để nhường chỗ cho công trình mới.
Có một điểm chung của các di sản này, đó đều là những công trình chưa được xếp hạng di tích. Vì vậy, các đề xuất phá bỏ chỉ dừng lại khi có những phản ứng từ dư luận.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, theo tinh thần Luật Di sản Việt Nam các di sản trên đều thuộc loại Di sản cần được xếp hạng và bảo vệ. Thứ nhất, đó là những công trình kiến trúc có hàng trăm năm tuổi. Thứ hai, mỗi công trình đều là đại diện cho một thời điểm lịch sử nhất định.
Với công trình cầu Long Biên, thì ngoài tuổi đời trên trăm năm, đây là công trình có kiến trúc độc đáo, xứng đáng là một trong những cây cầu sắt đẹp nhất thế giới xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 20 theo nhận định của ThS.KTS. Trần Quốc Bảo - Giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng.
Công trình Dinh Thượng Thơ đang được lấy ý kiến bảo tồn hay dỡ bỏ (ảnh Kênh 14) |
Còn với Nhà máy kẽm Quảng Yên, theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, đây là chứng nhân còn lại hiếm có của sự xuất hiện lối sản xuất đại công nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á gắn liền với sự ra đời một đội ngũ giai cấp công nhân chuyên nghiệp, nền tảng ra đời chính Đảng vô sản ở khu vực.
Với công trình kiến trúc Dinh Thượng Thơ, trong con mắt của nhà chuyên môn và giới nghiên cứu, đây là công trình rất có giá trị không chỉ về mặt kiến trúc, cảnh quan mà ở đó còn có giá trị về lịch sử, văn hóa. Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh, đây là công trình chứa đựng nhiều dấu hiệu của một di sản.
Cũng theo bà Cẩm, không nên can thiệp thô bạo vào Dinh Thượng Thơ để rồi phải nuối tiếc như một số công trình kiến trúc cổ trước đây đã bị tháo dỡ, nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng, phá nát cảnh quan kiến trúc đô thị.
Theo Luật Di sản văn hóa, khi xây dựng dự án mà đụng đến một công trình có dấu hiệu là di sản thì buộc phải tạm dừng, hỏi ý kiến của cơ quan quản lý về di sản. Việc TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến cộng đồng, các nhà khoa học, và sự lên tiếng của dư luận vừa qua về việc bảo tồn Dinh Thượng Thơ cho thấy vấn đề bảo tồn di sản luôn được xã hội quan tâm.
Hy vọng, cũng như cầu Long Biên, Dinh Thượng Thơ sẽ được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị không chỉ là công sở với công trình kiến trúc đặc biệt, mà trong tương lai không xa, sẽ được khai thác như một điểm du lịch trong quần thể các di tích kiến trúc Pháp của TP Hồ Chí Minh./.