• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đầu năm mới nhìn lại giáo dục Việt Nam năm 2019

Giáo dục 02/01/2020 07:53

(Tổ Quốc) - Năm 2019 khép lại, một năm đầy những sự kiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… trong đó, giáo dục tiếp tục là một lĩnh vực dành được sự quan tâm với nhiều sự kiện, điểm nhấn đáng chú ý.

Cuối cùng thì hy vọng được nhìn thấy toàn bộ 38 cuốn SGK lớp 1 sẽ được sử dụng trong năm học đầu tiên bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm 2019 cũng không thành. Một mảnh ghép còn chưa hoàn chỉnh cho bức tranh toàn cảnh giáo dục Việt Nam 2019.

2019 là năm cuối cùng, cũng là năm bản lề, năm kết thúc thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, một năm giáo dục Việt Nam có nhiều biến động, cũng là năm tạo đà để giáo dục phát triển cho chặng đường 10 năm tiếp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thông qua, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019 với những điểm mới, mang đến luồng gió mới cho giáo dục đại học Việt Nam, sát với thực tế đào tạo nguồn nhân lực trong nước cũng như tiệm cận được với các thông lệ quốc tế. Luật mới có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo. Xác định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng trường trường đại học công lập. Tăng cường tự chủ cơ sở giáo dục đại học. Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện tuyển sinh, mở ngành đào tạo…

Đầu năm mới nhìn lại giáo dục Việt Nam năm 2019 - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) 2019

Luật Giáo dục 2019 được thông qua với những điểm mới cơ bản như, thể hiện rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, mỗi môn học có một hoặc một số SGK, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn SGK. Bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Quy định nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học; chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm; chính sách học phí đối với học sinh diện phổ cập; các quy định về đầu tư tài chính cho giáo dục, trong đó quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm NSNN chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi NSNN…

Nhận thức các vấn đề về môi trường trong cộng đồng học sinh, sinh viên ngày càng nâng cao. Các phong trào học sinh, sinh viên vì môi trường sống tiếp tục được các em tiếp lửa. Các hành động vì môi trường của học sinh tạo niềm cảm hứng cho những người lớn, những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục có những hành động cụ thể. Ngay trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 trường Marie Curie đã gửi thư tới hơn 40 trường học ở Hà Nội truyền đi thông điệp "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển". Bức thư của bé Nguyệt Linh nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhiều trường học, phong trào không thả bóng bay vì môi trường trong ngày khai giảng đã được nhiều cơ sở giáo dục ở khắp các tỉnh thành cả nước hưởng ứng.

Không dừng lại ở mùa khai giảng năm học mới 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo ở nhiều địa phương đã đề nghị các trường học trên địa bàn tỉnh không thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới kể từ năm học này và hạn chế sử dụng các vật dụng có liên quan đến rác thải nhựa như không sử dụng ống hút nhựa, đồ nhựa dùng một lần, bọc sách vở bằng ni-lon…

Đầu năm mới nhìn lại giáo dục Việt Nam năm 2019 - Ảnh 2.

Hình ảnh Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 không bóng bay tại trường Marie Curie- Hà Nội

Học sinh Việt Nam liên tiếp đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng… và các giải thành tích cao của cả cá nhân lẫn đồng đội tại các kỳ thi khu vực và quốc tế, tiếp tục khẳng định thành tích của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Tại kỳ thi Olympic Vật lí châu Á lần thứ 20 năm 2019, cả 8 thí sinh Đội tuyển Olympic Vật lí quốc gia Việt Nam đều giành giải thưởng. Tại kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế lần thứ 50, cả 5 học sinh Đội tuyển quốc gia Việt Nam đều đoạt huy chương Vàng và Bạc. Tại kỳ thi Olympic Toán học Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2019, các thí sinh Việt Nam đã giành được 5 huy chương Vàng, trong đó 3 học sinh đã lọt Top 10 thí sinh xuất sắc nhất kỳ thi. Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2019, cả 6 học sinh dự thi đều đoạt giải gồm 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc. Tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019, cả 4 thí sinh Việt Nam đều đoạt huy chương, gồm: 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Tại Olympic Hóa học quốc tế năm 2019, cả 4 thí sinh Việt Nam đều đạt Huy chương, đặc biệt, lần đầu tiên thí sinh Việt Nam Trần Bá Tân đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi này. Tại kỳ thi Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn 2019, cả 8 thí sinh Việt Nam đạt thành tích cao. Tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 31, các học sinh Việt Nam cũng có thành tích cao với 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, đoàn Việt Nam đã xuất sắc đứng thứ 4 tại Kỳ thi.

Đầu năm mới nhìn lại giáo dục Việt Nam năm 2019 - Ảnh 3.

Học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019

Bộ trưởng Nội vụ chính thức có công văn số 5378/BNV-CCVC ký ngày 05/11/2019 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Công văn nêu rõ, "Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028-CV/VPTW) và Thủ tướng Chính phủ (công văn số 1480/VPCP-TCCV) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.". Sau khi nhận được văn bản này, nhiều tỉnh/thành phố đã thực hiện xét tuyển đặc cách đối với hàng trăm giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 về trước.

Đầu năm mới nhìn lại giáo dục Việt Nam năm 2019 - Ảnh 4.

Những cuốn SGK lớp 1 sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2020

11 tháng sau khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngày 21/11, Bộ GDĐT công bố danh mục 32 SGK lớp 1 được sử dụng trong năm học 2020-2021- năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với mục tiêu thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, lần đầu tiên SGK sẽ không còn được xem như là pháp lệnh trong công tác giảng dạy, giáo dục Việt Nam chuyển từ dạy học theo hướng tiếp cận nội dung (trang bị kiến thức) sang dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất học sinh.

Các đại học/trường đại học của Việt Nam tiếp tục xuất hiện trên các bảng xếp hạng đại học danh tiếng thế giới. Trong đó, bảng xếp hạng World University Rankings Times Higher Education 2020 (THE-2020) có 3 trường đại học Việt Nam có mặt trong danh sách 1.400 trường đại học được xếp hạng gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; trong Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu của Tạp chí U.S. News & World Report (Hoa Kỳ), 2 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên được xếp hạng ở bảng xếp hạng này, là ĐH Quốc gia Hà Nội xếp hạng 1059 và ĐH Quốc gia TP.HCM có thứ hạng 1176. Đại học Quốc gia TP.HCM cũng là trường xuất hiện trong bảng xếp hạng QS-GER 2020 (Quacquarelli Symonds - QS Graduate Employability Rankings 2020) ở vị trí 301-500 trường đại học đạt tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao nhất thế giới.

Đầu năm mới nhìn lại giáo dục Việt Nam năm 2019 - Ảnh 5.

Sau một năm gián đoạn, ngày 27/11/2019, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 422 nhà giáo, trong đó, 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Theo đánh giá của Hội đồng chức danh GSNN, chất lượng của công tác xét duyệt được nâng cao mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều về quá trình công nhận các chức danh này. Cũng trong năm nay, Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh có 4 ứng viên được Hội đồng GSNN nhất trí công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư theo quy định, tuy nhiên danh sách này vẫn chưa được công bố.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ