(Cinet) - 10 năm qua ngành văn hóa, các lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô. Tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
(Cinet) - Đó là khẳng định của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”
10 năm qua ngành văn hóa, các lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô. Tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Nhà hát múa rối Thăng Long đã đạt kỷ lục là Nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn 365 ngày/năm. Nguồn: NHMRTL |
Hà Nội – thành phố văn học, nghệ thuật phát triển sôi động nhất cả nước
Hà Nội là một trung tâm kinh tế, văn hóa, một trong những thành phố có nền văn học, nghệ thuật phát triển nhất cả nước. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.Theo đó, thành phố đã tập trung nguồn lực cho các hoạt động văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố đã có trên 3.400 hội viên, trong đó có những tên tuổi hàng đầu của giới trí thức văn nghệ sỹ cả nước, và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Đến nay, Hà Nội đã có 17 Nghệ sỹ Nhân dân và 127 Nghệ sỹ Ưu tú được vinh danh. Trung bình hàng năm, đội ngũ văn nghệ sỹ Thủ đô đã sáng tạo gần 3.000 tác phẩm có chất lượng.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, trong 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hà Nội, với vai trò trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quốc tế nổi bật, gây được tiếng vang. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trên địa bàn không ngừng phát triển với những show diễn, chương trình đặc sắc mang bản sắc văn hóa Việt như “Làng tôi”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, những màn diễn xướng âm nhạc truyền thống như chèo, ca trù, dân ca quan họ, xẩm ấn tượng, hấp dẫn du khách của các nghệ nhân, nghệ sĩ tại khu phố cổ và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm… hay những chương trình có sự kết hợp, giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Quốc tế như “Lễ hội âm nhạc Gió mùa”, “Inoha”… Có đơn vị như Nhà hát múa rối Thăng Long đã đạt kỷ lục là Nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn 365 ngày/năm.
Lễ hội âm nhạc "Gió mùa" đã trở thành đặc sản của Hà Nội |
Hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố không ngừng được đầu tư và đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu của nhân dân như Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công nhân, Rạp Kim Đồng, Rạp Đại Nam,Thư viện Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng, Phố sách Hà Nội, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không gian văn hóa Hồ Gươm... bên cạnh các “biểu tượng văn hóa” của thành phố như Nhà hát Lớn, Cung Hữu nghị Việt Xô, Thư viện Quốc gia, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, học tập, trao đổi, hưởng thụ, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống trong quá trình không ngừng hội nhập và phát triển.
Nhóm Xẩm Hà Thành và nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống. Nguồn: thanhnien.vn |
Đầu tư chiều sâu để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật
Tuy nhiên, với sự tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cũng đã có những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật, bởi sự xâm nhập ngày một nhiều của sản phẩm phi văn hóa, độc hại… Với trên 3.400 hội viên và hơn 3000 tác phẩm ra đời mỗi năm, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng của trung ương và thành phố nhưng không có nhiều tác phẩm đỉnh cao, tinh hoa, vươn tầm thế giới. Những kết quả đạt được của lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa thật sự tương xứng với vị trí, vai trò và khả năng, yêu cầu xây dựng và bảo vệ phát triển thành phố.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23, theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, “Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố cần tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, phát triển, nhất là sau thành công của Đại hội lần thứ XII vừa qua để hội viên sáng tạo, tâm huyết, cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, gắn với Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”.
Để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng cần huy động mọi nguồn lực để phát triển văn hóa. Trong đó, cần có cơ chế phù hợp để đầu tư chiều sâu đối với các công trình, tác phẩm để tạo ra những tác phẩm đỉnh cao.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo đôi ngũ kế cận làm công tác văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sỹ, các tài năng văn học nghệ thuật chuyên và không chuyên là vấn đề mấu chốt để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó, vấn đề tư tưởng và tài năng cần được “ươm mầm” và đầu tư thích đáng./.