(Tổ Quốc) - Trong phiên thảo luận tổ sáng nay (9/6), nhiều Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về kiến nghị chuyển đổi đầu tư bằng hình thức PPP sang đầu tư công đối với một số dự án thành phần của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Tỷ lệ nợ công tăng lên rồi ai chịu trách nhiệm?
ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ không đồng tình với kiến nghị của Chính phủ về việc chuyển đổi đầu tư bằng hình thức PPP sang đầu tư công đối với một số dự án thành phần của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo ĐB Khánh, chủ trương xã hội hóa là điều rất cấp bách trong tình hình hiện nay. Hiện nay, nợ công của chúng ta đang cao mà còn xin chuyển qua đầu tư công nữa thì sẽ rất vất vả. “Đến khi tỷ lệ nợ công tăng lên rồi ai chịu trách nhiệm?” - ĐB Khánh đặt câu hỏi.
ĐB Khánh bày tỏ băn khoăn, phải chăng xã hội hóa của chúng ta chưa đến nơi. Kiến nghị này của Chính phủ đã đặt Quốc hội 2 sự lựa chọn, như vậy là quá hẹp. Nếu có sự chuẩn bị chu đáo hơn sẽ không đặt chúng ta ở tình huống khó hiện nay.
“Tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban Kinh tế, vấn đề này cần phải nghiên cứu” - ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với ĐB Khánh, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, ông không đồng ý với kiến nghị của Chính phủ.
“Tôi có băn khoăn là dự án lớn như vậy, mang tính chính lược, chúng ta chỉ mới thông qua chưa đầy 2 năm. Từ chỗ xin cơ chế xã hội hóa nhưng giờ lại xin vốn nhà nước. Như thế này là không nghiêm, rồi đây sẽ có dự án tương tự như vậy thì làm sao Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh được vốn” - ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói.
Băn khoăn tiếp theo mà ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu ra tại buổi họp tổ đó là không biết Quốc hội sẽ lấy nguồn vốn ở đâu nếu đồng ý chuyển đổi chủ trương đầu tư các dự án này sang đầu tư công vì con số này không hề nhỏ. “Nếu đồng ý là dễ dãi quá, như vậy sẽ tạo tiền lệ không tốt” - ĐB Trí nêu quan điểm.
ĐB Trí cũng đặt câu hỏi, tại sao một số gói thầu không ai quan tâm hay có nhà thầu tham gia nhưng năng lực tài chính yếu? “Chứng tỏ hồ sơ mời thầu chưa đủ độ hấp dẫn” - theo quan điểm của vị ĐB này.
Chuyển sang đầu tư công vì không tìm được nhà đầu tư đủ năng lực
Trước đó, tại Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước.
Có 2 lý do để Chính phủ đưa ra kiến nghị như trên. Thứ nhất, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính.
“Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công” - Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Thứ hai, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, nếu được Quốc hội đồng ý chuyển đổi sang đầu tư công thì có thể khởi công ngay các dự án trong tháng 9/2020. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo PPP, sớm nhất giữa năm 2021 mới bắt đầu triển khai thi công, không thể hoàn thành theo tiến độ Quốc hội yêu cầu.
Về hiệu quả đầu tư, ông Thể cho rằng, việc chuyển đổi sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay. Nếu phát hành trái phiếu chính phủ trong giai đoạn hiện nay để triển khai đầu tư công sẽ hiệu quả hơn do mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tín dụng.
Liên quan đến kiến nghị này, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52.
“Một số kiến nghị của ĐBQH cho rằng, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm” - ông Thanh thông tin.