(Tổ Quốc) -Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Nguyễn Nhật vừa trả lời báo chí về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020.
- 08.10.2016 Tiền đâu làm cao tốc Bắc- Nam?
Đề án này đang vấp phải sự phản đối của các Bộ khi được lấy ý kiến, đặc biệt về vấn đề vốn.
Vẫn kiến nghị sử dụng trái phiếu Chính phủ
Theo ông Nhật, để đảm bảo khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ đã nghiên cứu và đề xuất phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải.
Trong đó, các đoạn có dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2030 trên 30.000 - 35.000 xe/ngày, đêm sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22m, các đoạn có nhu cầu vận tải thấp hơn sẽ phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế với nền đường rộng 17m.
Ông Nhật khẳng định, Bộ Giao thông, Vận tải không chỉ ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc mà bỏ qua ưu thế của các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường sông, đường biển, sông pha biển.
Bộ đã tính toán để đưa ra 3 phương án đầu tư, nhưng trong đề án trình Thủ tướng, Bộ đề nghị thực hiện phương án 1, kinh phí đầu tư khoảng 229.829 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về việc tìm kiếm các nguồn vốn, ông Nhật cho hay, các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam có kinh phí đầu tư rất lớn, nếu chỉ thu phí các phương tiện sẽ không thể hoàn vốn đầu tư, để dự án khả thi về mặt tài chính, bắt buộc phải có phần hỗ trợ của Nhà nước.
Ảnh minh họa: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. |
Vì vậy, Bộ đã kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 bao gồm: trái phiếu Chính phủ, vốn vay ưu đãi nước ngoài, ngân sách nhà nước tham gia như là phần vốn góp để đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hai phương án.
Thứ nhất là sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ưu đãi nước ngoài là phần vốn Nhà nước tham gia góp vốn đầu tư, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đầu tư đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Túy Loan (Đà Nẵng), tổng kinh phí khoảng 47.405 tỷ đồng và vốn vay ưu đãi nước ngoài tham gia hỗ trợ đầu tư đoạn từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây, tổng kinh phí dự kiến 46.139 tỷ đồng.
Thứ hai, Bộ Giao thông, Vận tải kiến nghị Chính phủ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 để tham gia đầu tư, kinh phí khoảng 93.544 tỷ đồng. Phương án này chủ yếu sử dụng nguồn lực trong nước, thời gian huy động ngắn, lãi suất cao hơn, nhưng thực hiện theo phương án này mới có thể đảm bảo thời gian bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư dự án.
“Sau khi phân tích và đánh giá ưu nhược điểm của từng phương án cũng như tiến độ đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ đã kiến nghị Chính phủ thực hiện sử dụng nguồn vốn theo phương án 2” – ông Nhật cho hay.
Về vấn đề huy động vốn nước ngoài, ông Nhật cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đều yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí là bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay. Việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư vào dự án là khó khả thi.
Trong khi đó, đối với việc huy động các nhà đầu tư trong nước, hiện nay, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn đang ở mức cao nên để các nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn tín dụng trong nước cũng cần phải tháo gỡ một số cơ chế, chính sách.
Theo ông Nhật, nếu huy động nhà đầu tư nước ngoài và vốn vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài cần phải chấp thuận một số cơ chế bảo lãnh, còn nếu huy động nguồn vốn vay trong nước cần phải tăng giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng.
Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – TP. HCM là việc cấp bách
Theo Thứ trưởng Nhật, việc đầu tư các tuyến cao tốc là bước đi đúng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam, phù hợp với chiến lược và các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được Thủ tướng phê duyệt.
Quốc lộ 1 hiện là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên, tốc độ khai thác thấp, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải, áp lực giao thông ngày càng gia tăng. Tuyến đường này cũng không thể nâng cấp mở rộng được nữa, bởi sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, khối lượng giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả không cao.
Về đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - TP.HCM, ông Nhật cho hay, kinh phí đầu tư cho tuyến đường sắt này khoảng 55 tỷ USD, cao gấp khoảng 4 lần tuyến đường bộ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
“Trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta hiện nay, sẽ rất khó có thể huy động được nguồn lực để đầu tư. Hơn nữa, việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM sẽ phải thực hiện trong thời gian dài khoảng 10 - 15 năm, công nghệ trong nước chưa làm chủ được, phải dựa vào nước ngoài, trong khi đó việc xây dựng đường bộ cao tốc chúng ta có thể dựa vào nội lực trong nước” – ông Nhật phân tích.
Do vậy, theo quan điểm của ông Nhật, việc lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 hiện rất cấp bách.
Đồng thời, tuyến đường sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua.
Thái Linh