• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đầu tư phát triển vùng dược liệu quý góp phần giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi

Kinh tế 26/09/2023 19:00

(Tổ Quốc) - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều tiềm năng để phát triển các vùng dược liệu quý, qua đó tạo sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

A Lưới là một huyện miền núi vùng biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dân số toàn huyện ước khoảng 53.828 người, gồm 27 dân tộc sinh sống, trong đó có 5 dân tộc chính là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 77,09% dân số toàn huyện.

Năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn huyện A Lưới trong 75 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 5.399 hộ nghèo chiếm 38,2%, trong đó, hộ nghèo DTTS là 5.137 hộ chiếm 95,1%. So với mặt bằng chung, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy là huyện vùng cao, kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, huyện A Lưới cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để thu hút đầu tư, phát triển vùng trồng các cây dược liệu. Thời gian qua, đây là một hướng đi mà địa phương đã và đang triển khai nhằm tạo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế, mong muốn giảm nghèo bền vững.

Phát triển kinh tế từ dược liệu quý

Vừa qua, UBND huyện A Lưới đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý" trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025". Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 theo hướng khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường nhằm phát huy tiềm năng nguyên liệu và lao động tại chỗ nhất là lao động người DTTS, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn huyện.

Đầu tư phát triển vùng dược liệu quý góp phần giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi - Ảnh 1.

Mô hình trồng sâm bố chính trên địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Mục tiêu là sẽ hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng DTTS và miền núi, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào vùng DTTS và miền núi trong khu vực triển khai dự án.

Bên cạnh đó, hình thành ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững; Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm từ dược liệu được quản lý nguồn gốc, xuất xứ chất lượng và xúc tiến thương mại điện tử cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các DTTS và miền núi.

Cụ thể, dự án sẽ được triển khai trên diện tích 363,4 ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc. Các loại dược liệu được trồng gồm nhiều loại như: ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ can... Dự án sẽ sử dụng tối thiểu 50% lao động là người DTTS, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, dự án có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, việc hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào khu vực triển khai dự án. Ngoài ra, giúp hình thành ý thức bảo tồn nguồn gene dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.

Thời gian qua, nhiều loại cây giá trị đã và đang được phát triển tại A Lưới như sâm Bố Chính, thiên niên kiện, cà gai leo, ba kích… với diện tích trồng khoảng 20ha. Việc triển khai trồng cây dược liệu không chỉ giúp người dân có thêm sinh kế, mà thông qua đó còn giúp A Lưới phát triển các loại dược liệu giá trị trong tương lai theo kế hoạch đã đề ra.

Phát triển vùng dược liệu góp phần giảm nghèo bền vững

Thừa Thiên Huế là nơi có điều kiện tự nhiên đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều hệ động thực vật. Thêm vào đó, điều kiện địa hình đa dạng gồm núi rừng, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ đã tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học.

Theo Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, việc phát huy tiềm năng bản địa các loài dược liệu trên địa bàn tuy đã được cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhiều loại dược liệu quý hiếm được khảo sát đánh giá và thử nghiệm được triển khai bằng các chương trình dự án KH&CN, một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, so với tiềm năng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vùng nguyên liệu dược liệu còn ít, chưa có những mô hình quy mô lớn.

Việc đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và bảo tồn tài nguyên dược liệu nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, văn hóa của cộng đồng đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân thúc đẩy ngành hóa dược phát triển… đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận một cách sâu sắc.

Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phải dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ