• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đầu tư trường tư thục: "Không cần cho tiền mà chỉ cần cho chúng tôi một chính sách hành chính "đừng hành"

Giáo dục 11/05/2019 09:40

(Tổ Quốc) - Cùng với nhiều vấn đề khác đang có những ý kiến trái chiều liên quan đến đầu tư cho giáo dục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, hoạt động đầu tư trong các trường tư thục cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục khi thành lập các trường này.

Các nhà soạn thảo cần tìm hiểu thực tế từ các trường tư thục

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang (trường THCS-THPT Marie Curie - Hà Nội), trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (bản 12/4/2019) có những điều khoản bất lợi đối với giáo dục tư thục. "Với Khoản 3 Điều 56 gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư. Điều 100 hình như vô tình hoặc hữu ý tước đoạt quyền của nhà đầu tư (so với Luật hiện hành) đó là quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường. Một nhà đầu tư, nếu chặt hai chân hai tay của người ta đi, tức là tước quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường thì các trường đã hình thành làm sao tồn tại được nữa. Các nhà đầu tư khác có dám đầu tư vào các trường trong bối cảnh đó nếu kịch bản này được diễn ra hay không?', thầy Khang bày tỏ lo lắng.

Trong khi đó, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch HĐQT trường THCS-THPT Nguyễn Siêu thì cho rằng, thành viên tư vấn soạn thảo Luật nên đến một số loại hình trường tư thục, dân lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng để tìm hiểu tình hình, để thấy được sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của các trường tư thục như thế nào. Nhiều con cháu của các lãnh đạo cũng từng học tại các trường tư thục, tại sao con cháu các vị này lại chọn học tại trường tư, thầy Vĩnh đặt vấn đề. Thêm vào đó, một số điều chưa rõ ràng trong Dự thảo, dễ nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai, hiểu không đúng ý gây nên hậu quả không tốt nên ban soạn thảo cần điều chỉnh lại cho rõ ràng hơn.

Nói về các trường tư thục, bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT trường Everest cho rằng, trường tư gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đang dần hình thành vị trí trong hệ thống giáo dục. Bà cũng chỉ ra các bất cập: các trường tư thục Việt Nam được thành lập mới và chậm hơn so với các nước phát triển; các trường phát triển tương đối vất vả, đa số các trường do giáo viên tập hợp lại để cùng xây dựng trường, vì vậy HĐQT phải là những người mạnh về tài chính và phải có thành viên đã làm về giáo dục; các cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn thiếu thực tế do chưa từng làm trường tư. Vì vậy, vấn đề là cần phải tách bạch giữa HĐQT, Hội đồng trường và BGH để cái nọ không "giẫm chân" lên cái kia, rành mạch để phát triển.

Bà Phương cũng đề nghị trong công tác hành chính có thái độ, chính sách cởi mở hơn đối với các trường tư thục, "Chúng tôi không cần cho tiền mà hãy cho chúng tôi một chính sách hành chính "đừng hành", đó là những cái chúng tôi đang mong mỏi". Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, nếu không yêu nghề và không tâm huyết thì không làm được.

Đầu tư trường tư thục: Không cần cho tiền mà chỉ cần cho chúng tôi một chính sách hành chính đừng hành - Ảnh 1.

Trường THPT Tư thục Marie Curie - Hải Phòng, một trong những trường dân lập, tư thục đầu tiên trong hệ thống giáo dục Việt Nam (ảnh minh họa)

Chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa loại hình trường tư thục và công lập, thầy Hoàng Xuân Khóa (THPT Marie Curie - Hải Phòng) cho rằng, hai loại hình trường này về cơ bản giống nhau nên tổ chức BGH hai loại trường này có cơ cấu, nhiệm vụ hoàn toàn giống nhau. Điểm khác biệt duy nhất và cực kỳ quan trọng là nguồn đầu tư. Trường công lập do nhà nước đầu tư, trường tư thục do các cá nhân đầu tư, vì vậy không thể đồng nhất về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường như Điều 56 (Dự thảo). Phải thực hiện theo nguyên tắc "Ai đầu tư thì người đó có quyền", đây là nguyên tắc mà nước nào cũng vậy.

Thầy Khóa cũng nhận định, sau khi Luật Giáo dục được ban hành năm 2005, là Luật rất tiến bộ đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam, quy định rất rõ ràng về quyền hạn của HĐQT, về việc nhà nước bảo trợ và quyền sở hữu chính đáng của những nhà đầu tư trường tư thục nên đã có rất nhiều người đầu tư vào các trường. Thế nhưng, tại Điều 56 Dự thảo đã tước quyền điều hành của nhà đầu tư nên nếu Dự thảo được thông qua thì sẽ không ai đầu tư cho giáo dục, đó sẽ là thảm họa cho giáo dục.

TS. Nguyễn Tùng Lâm (trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội) nêu ra câu hỏi, Luật Giáo dục sửa đổi sẽ tháo gỡ khó khăn gì cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực giáo dục hiện nay? Theo ông, có 2 vấn đề cản trở sự phát triển giáo dục hiện nay là cơ chế quản lý về giáo dục (mà Điều 56 Dự thảo là một rào cản) và xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Luật. Giáo dục hiện nay rất nhiều khó khăn mà nếu không giao quyền thì khó thực hiện được, chẳng hạn trong Dự thảo tại các Điều 61 là bước lùi so với Luật hiện hành; Điều 102; Điều 103; Điều 51; Điều 58… có những điều khoản không cần thiết và không phù hợp với thực tế.

Cũng theo thầy Lâm, đội ngũ nhà giáo chưa được quan tâm tương xứng. Cần nêu rõ về phẩm chất và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của từng vị trí, như cán bộ quản lý phải thế nào, hiệu trưởng nhà trường, các giáo viên… phải làm rõ vị trí, vai trò của từng người từ đó có các yêu cầu tương xứng. 

Đầu tư trường tư thục: Không cần cho tiền mà chỉ cần cho chúng tôi một chính sách hành chính đừng hành - Ảnh 2.

Các thầy cô giáo- đại diện các trường tư thục đóng góp ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019

Những vấn đề lớn về chính sách đối với giáo dục tư thục, dân lập

Dự thảo Luật Giáo dục (bản ngày 12/4/2019) nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nổi bật lên bốn vấn đề lớn về chính sách đối với giáo dục tư thục, dân lập.

Tại Khoản 3 Điều 56 quy định Hội đồng trường tư thục bao gồm đại diện các nhà đầu tư có vốn góp và rất nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường.

Với một Hội đồng trường như thế không thể đại diện cho quyền sở hữu trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục thay cho Hội đồng quản trị theo Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành.

Vấn đề Quyền sở hữu, đây là nội dung quan trọng sống còn đối với giáo dục tư thục, bởi chỉ khi nào quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ thì các nhà đầu tư mới thực sự yên tâm đầu tư vào giáo dục, góp phần thực hiện thành công chính sách xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên Điều 49 Dự thảo thì Nhà đầu tư không có dòng nào đề cập đến Quyền sở hữu của Nhà đầu tư, trong khi quyền sở hữu lại được đưa vào Điều 100. Theo đó, "Tài sản của trường dân lập, tư thục thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường", còn Pháo nhân nhà trường là ai thì Dự thảo Luật Giáo dục không giải thích, còn các Nhà đầu tư ở Điều 49 không có "quyền sở hữu", khiến các trường tư thục, các nhà đầu tư băn khoăn về những rủi ro đối với khối tài sản, tâm huyết, sức lực, trí tuệ đã đầu tư vào trường và xây dựng nên những thương hiệu có chỗ đứng trong xã hội.

Hiện quy định như Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành đã rõ ràng, chính xác, phù hợp với cam kết của nhà nước về việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà đầu tư vào giáo dục cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Chính sách xã hội hóa giáo dục cũng là một vấn đề được các trường tư thục quan tâm. Trong khi Luật Giáo dục hiện hành tại Mục 4. Chính sách đối với trường dân lập, tư thục với các Điều 65, 66, 67, 68 hết sức cụ thể, phù hợp thì Dự thảo đã bỏ các Điều này và thay bằng Điều 16. Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục với một vài dòng mang tính chất nhắc lại Nghị quyết 29/NQ-TƯ. Đây là một bước thụt lùi rất lớn so với Luật Giáo dục hiện hành.

Nội dung Quy hoạch mạng lưới trường lớp và quản lý nhà nước về giáo dục, quy định tại Điều 51 Dự thảo; Điều 102. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục, Dự thảo sửa đổi điểm c và điểm d Khoản 2; Điều 58. Hội đồng tư vấn trong nhà trường và Điều 59. Tổ chức Đảng trong nhà trường trong Dự thảo chỉ phù hợp với trường công lập và không phù hợp với thực tiễn hoạt động các trường dân lập, tư thục.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ