(Tổ Quốc) - Sáng 26/12, Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Giới thiệu, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hội nghị nhằm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam vào các khu được phép sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
- 01.12.2023 Độc đáo “Chợ phiên - Chào năm mới 2024” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
- 19.11.2023 Tái hiện nghi lễ Tết máng nước tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
- 28.09.2023 "Khám phá nét ẩm thực dân tộc" tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam
- 14.08.2023 "Vui Tết độc lập" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
- 28.07.2023 Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải tích cực, chủ động, sáng tạo, đổi mới, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách
Tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định đầu tư với mục tiêu: Xây dựng nơi đây thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1.544 ha, thuộc địa phận Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.
Theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm 7 khu chức năng: Khu các làng dân tộc Việt Nam; Khu Di sản văn hóa thế giới; Khu dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí; Khu quản lý điều hành văn phòng; Khu công viên bến thuyền; Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô. Trong đó Khu các làng dân tộc được coi là "linh hồn", vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của dự án.
Nguồn vốn đầu tư của dự án được xác định từ 2 nguồn: (1) Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho Khu các làng dân tộc; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan chung và Khu quản lý điều hành văn phòng. (2) Nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước được kêu gọi để đầu tư các khu chức năng còn lại.
Quan điểm đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Chính phủ xác định: Xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa của nhân dân trong nước và du khách quốc tế; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu; Tạo cơ chế để đồng bào dân tộc và địa phương tham gia xây dựng Khu các làng dân tộc từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác; Kết hợp hài hòa giữa đầu tư, xây dựng với quản lý, khai thác nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội; Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện xã hội hoá, huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có lợi thế nằm gần trung tâm Thủ đô Hà Nội, giao thông tiện lợi, trong khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch; Có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt là hồ Đồng Mô với diện tích gần 1.000 ha, diện tích đất liền kề với hồ lớn (đảo, bán đảo), có núi, đồi xem kẽ với hồ nước và thảm thực vật phong phú; Quy hoạch tổng thể đa chức năng (7 khu chức năng) tạo nên một quần thể tổng hoà, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thể thao, vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng và tham quan, nghiên cứu…; Ban Quản lý được Chính phủ phân cấp mạnh với các chức năng, quyền hạn, cơ chế đặc thù… tạo thế chủ động quyết định các vấn đề trong quá trình đầu tư phát triển.
Một lợi thế nữa là toàn bộ diện tích 1.544 ha đất và đất có mặt nước của dự án đã được đền bù, giải phóng mặt bằng và sẵn sàng cho việc đầu tư xây dựng. Cơ sở hạ tầng chung đã được đầu tư, hoàn thiện các hệ thống giao thông nội bộ, điện, nước đến từng khu chức năng, thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam kêu gọi đầu tư vào các dự án gồm:
Khu Trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí có diện tích 125,22 ha, là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí gắn với khu vực lối vào chung của Làng Văn hóa.
Khu Di sản văn hóa thế giới có quy mô 46,50 ha, là khu giới thiệu và tái hiện một số di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, thể hiện nét đặc sắc của văn hóa nhân loại.
Khu dịch vụ du lịch tổng hợp có quy mô 138,89 ha, là khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao có quy mô lớn để khai thác có hiệu quả không gian cảnh quan tự nhiên, tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư phát triển.
Khu công viên bến thuyền gồm 41,53 ha (bao gồm: 310,04 ha phần mặt nước hồ Đồng Mô và 31,49 ha mặt đất), là khu vực dịch vụ du lịch, nơi tổ chức các hoạt động tham quan, thể thao, du lịch, dịch vụ gắn với mặt nước hồ Đồng Mô và cổng B của Làng Văn hóa.
Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô có quy mô: 600,9 ha (được xác định bằng phần diện tích mặt nước có ranh giới cốt nước +20,0m của hồ Đồng Mô), là không gian sinh thái cảnh quan, mặt nước hồ Đồng Mô có sử dụng khai thác phát triển một số hoạt động du lịch sinh thái phù hợp để tăng tính hấp dẫn của cảnh quan, cây xanh, mặt nước hồ Đồng Mô trên cơ sở đảm bảo môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ như: Dịch vụ ẩm thực và giải khát tại Khu nhà hàng Chân đồi (khu nhà 2 tầng với diện tích sử dụng là 1.812 m2), Lầu Vọng cảnh (diện tích sử dụng: 441m2) nhằm cung cấp ẩm thực truyền thống dân tộc, kết hợp các món ăn theo tiêu chuẩn, cao cấp có đặc trưng riêng trong khu vực; phục vụ giải khát, đồ ăn nhanh cho du khách với đa dạng các đối tượng từ trẻ em, học sinh, người lớn, người cao tuổi.
Dịch vụ lưu trú tại Khu trại sáng tác và khu Nhà dịch vụ làng III nhằm cung cấp dịch vụ lưu trú đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các đoàn khách có nhu cầu nghỉ ngơi trong hành trình tham quan.
Dịch vụ bể bơi tại khu Trại sáng tác nhằm cung cấp dịch vụ bể bơi phục vụ du khách. Bên cạnh đó là dịch vụ vận chuyển khách cung cấp dịch vụ vận chuyển khách tham quan bằng xe điện và xe đạp theo tuyến; Dịch vụ giới thiệu đồ lưu niệm, vật phẩm văn hóa dân tộc và sản vật địa phương; Dịch vụ vui chơi, trải nghiệm cho du khách nhằm xây dựng các chương trình, sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm, trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật, show diễn thực cảnh và và tổ chức triển khai phục vụ du khách.
Tại Hội nghị, Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cung cấp giải đáp những câu hỏi của các nhà đầu tư liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư vào Làng. Theo các nhà đầu tư, chỉ cần tháo gỡ được hành lang pháp lý, thì họ sẽ sẵn sàng đầu tư và cam kết thực hiện theo đúng quy hoạch của Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam.
"Với lợi thế nhiều mặt đảm bảo hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển bền vững. Trong tương lai gần, Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ trở thành khu du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc và hiện đại, là điểm vui chơi giải trí phù hợp cho mọi đối tượng, là nơi khảo nghiệm văn hóa tín ngưỡng và nghỉ dưỡng lý tưởng, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.
Đầu tư vào Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam là đầu tư cho sự phát triển bền vững và hiệu quả chắc chắn của chính nhà đầu tư, đồng thời đó là sự đầu tư cho lợi ích lâu dài của cộng đồng. Đầu tư vào Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam là đầu tư cho văn hóa dân tộc và thương hiệu của chính nhà đầu tư, phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế tri thức. Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quan tâm, tham gia tìm hiểu, đầu tư tại đây"- ông Trịnh Ngọc Chung cho biết./.