(Tổ Quốc) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong thời gian học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm thời nghỉ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, truyền hình.
- 12.03.2020 Bộ GD-ĐT đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, công nhận kết quả học trực tuyến
- 12.03.2020 Thừa Thiên - Huế: Chương trình học trên truyền hình bắt buộc đối với học sinh khối 9 & 12
- 11.03.2020 Đà Nẵng triển khai ôn tập kiến thức trên truyền hình cho học sinh lớp 12 từ 16/3
- 11.03.2020 Học sinh mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Đồng Nai nghỉ học đến hết tháng 3
- 10.03.2020 Học sinh lớp cuối cấp tại Hà Nội ôn tập qua sóng Kênh 1 - Đài Truyền hình Hà Nội
Theo đó, các Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 để tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Cùng đó, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua Internet có chất lượng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ miễn phí các nhà trường tổ chức dạy học qua Internet (thông tin liên hệ có tại địa chỉ https://olm.vn và thư điện tử a@olm.vn).
Các Sở tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở giáo dục và đào tạo để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện của địa phương, lưu ý tới việc lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chủ động liên hệ với các địa phương đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình để tham khảo, sử dụng hoặc tiếp sóng cho học sinh tại địa phương học tập; chia sẻ các chương trình dạy học trên truyền hình của địa phương mình với các địa phương khác. Xây dựng lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ GDĐT qua Cục Công nghệ thông tin để đưa lên Cổng thông tin của Bộ GDĐT.
Các Sở chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua Internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Các nhà trường hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn).
Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.