• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin

Thời sự 12/01/2021 15:32

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 12/01/2021, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.

Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 Bộ TT&TT (ảnh mic.gov.vn)

Năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, ngành TT&TT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành, và đạt được nhiều kết quả khả quan: Hệ thống hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh chóng vững chắc. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.

Đặc biệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội, từ trung ương đến địa phương. Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 3 triệu tỷ đồng so với gần 2,2 triệu tỷ đồng năm 2016. Tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 106 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2016 (76 nghìn tỷ đồng). Tổng số doanh nghiệp toàn ngành TT&TT năm 2020 đạt con số hơn 64 nghìn doanh nghiệp, tăng 50% so với năm 2016 (41 nghìn doanh nghiệp).

Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (ảnh TTXVN)

Lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao (35%/năm) trong 5 năm qua với tổng doanh thu đạt 56.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 (18.300 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực viễn thông, tỉ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã chính thức vượt ngưỡng trung bình của thế giới vào năm 2020, đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước trong năm 2020 đã cao hơn cả 4 năm trước cộng lại, tăng hơn 20 lần so với năm 2016. Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 30,86% vào năm 2020 so với mức 1,42% năm 2016. Tỷ lệ Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP đạt 100% trong năm 2020 so với tỷ lệ 0% năm 2016 và 4,76% năm 2018.

Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm, đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng gần 1,8 lần sau 5 năm. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp công nghệ số cũng đạt được sự tăng trưởng tương tự, tăng gấp 2 lần, với 58 nghìn doanh nghiệp năm 2020 trong khi năm 2016 chỉ có 24.500 doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, chỉ riêng trong năm 2020, số cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp tăng từ 0 lên 100%. Tỷ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa tăng gần 7 lần, đạt gần 91% so với mức 13,6% năm 2016.

Trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ TT&TT đã thực hiện Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện nay, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí).

Mạng xã hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh với các mạng xã hội quốc tế, với các tên tuổi như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng tài khoản người dùng đạt hơn 90,5 triệu.

Một trụ cột quan trọng khác của lĩnh vực truyền thông cần nhắc đến là sách, lĩnh vực công nghiệp tri thức. Vị thế của ngành Xuất bản Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị (ảnh mic.gov.vn)

Trong 5 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực Bưu chính, ứng dụng ICT, chỉ số phát triển ICT, chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đã có những bước tiến mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 50 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (CGI) trên 175 quốc gia được khảo sát, đánh giá, tăng 50 hạng so với năm 2017.

Năm 2021, là năm đầu tiên của một giai đoạn mới. Giai đoạn 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn bản lề để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp và tiến bước trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trong 20 năm tiếp theo. Đất nước bay lên bằng đôi cánh: Một bên là khát vọng hùng cường, thịnh vượng, một bên là công nghệ. Ngành TT&TT ý thức được trách nhiệm tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh, đặt ra mục tiêu cao, cải thiện thứ hạng quốc gia trên tất cả các lĩnh vực với cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, cảm ơn đội ngũ những người làm công nghệ thông tin và truyền thông; những người đồng hành cùng ngành trong thời gian qua để cả nước từ Trung ương đến địa phương vượt qua khó khăn chưa từng có, đạt được những thành tích đáng tự hào.

Nhắc đến sự phát triển của các ngành thông tin, viễn thông, bưu điện, an toàn, an ninh mạng, thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng nếu khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, không đổi mới mạnh mẽ hơn thì sẽ không tận dụng được cơ hội, dẫn đến nhiều ngành sẽ chết. Nếu không có sự chuyển đổi mạnh hơn sẽ thụt lùi.... Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin.

Theo Phó Thủ tướng, chương trình "Make in Việt Nam" là nói đến trí tuệ Việt Nam. Kết quả hiện nay mới là bước ban đầu. Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, nếu có sự điều phối tốt thì sẽ đủ sức ươm mầm thị trường trong nước trước. Một sứ mệnh mới là làm sao 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông có Việt Nam. Đó là thành công mang dấu ấn lớn của ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Liên quan đến việc chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết trước đây khi nói về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử hay chuyển đổi số, thường nói đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các ngành tài chính, ngân hàng nhưng thời gian qua là làm từ chỗ hiện đại nhất xuống. Hiện nay có thể khẳng định muốn đẩy nhanh việc này, cần làm hai mũi từ trên xuống và từ chỗ khó khăn nhất, nghĩa là làm ngược lại, làm từ dưới lên. Nếu làm tốt thì mới có thể vượt được những nước đi trước.

Cho rằng đây là thời cơ cũng là thách thức lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các ngành, địa phương thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trách nhiệm của bộ quan trọng nhưng trách nhiệm và năng lực của các địa phương còn quan trọng hơn. Làm Chính phủ điện tử, Chính phủ số không khó như tưởng tượng, chỉ cần sự đồng lòng, nhận thấy xây dựng Chính phủ điện tử giúp minh bạch hơn với nhân dân, gần dân hơn, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương thực sự quản lý tốt để phục vụ nhân dân thì chắc chắn sẽ làm được.

Dịp này, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các doanh nghiệp công nghệ thông tin hãy tham gia vào các chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng bằng cách thảo luận, tìm ra được những nền tảng mở dựa trên yêu cầu thực tiễn của người dân./.

Hồng Hà (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ