(Cinet) – Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với các địa phương nơi có nghi lễ Then, triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Then.
(Cinet) – Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với các địa phương nơi có nghi lễ Then, triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Then.
Làn điệu Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. |
Trải qua thời gian, làn điệu Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng, đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc nói chung. Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác ở nước ta đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các địa phương có di sản Then tổ chức nhiều cuộc Tọa đàm, Hội thảo nhằm mục đích tìm ra phương hướng bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong xã hội Việt Nam hiện nay thông qua việc nhận diện lại một cách khoa học về các giá trị của di sản Then cũng như đánh giá hiện trạng tồn tại của di sản. Bên cạnh đó, nhằm kết nối, mở rộng thông tin về các hình thức di sản văn hóa tương đồng với Then hiện có trên thế giới. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực và trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang -Trưởng phòng Quản lý văn hóa phi vật thể-Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, để bảo tồn và phát huy di sản Then, từ năm 1961 cho đến nay đã có 11 tọa đàm khoa học, 5 hội thảo khoa học quốc gia và 1 hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh có di sản Then. Từ năm 2002 đến 2016, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phong danh hiệu nghệ nhân dân gian cho các thày Then. Và từ 2015, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân Then.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều hoạt động liên quan nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Then như: kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa, sưu tầm, thu thanh, ghi hình các tư liệu do các thày Then cao tuổi thực hiện; đồng thời dịch thuận, in ấn, cũng như sưu tầm hiện vật liên quan đến Then để trưng bày, phát huy giá trị di sản tại các bảo tàng ở địa phương. Ngoài ra, các lớp truyền dạy hát Then- đàn Tính và nghi lễ Then cũng được thực hiện tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh có di sản Then. Không chỉ 14 tỉnh, thành phố có di sản Then, thậm chí ở cả những tỉnh có sự lan tỏa di sản Then, những hoạt động này cũng được thực hiện, bà Trang cho biết.
Ngoài ra, để bảo tồn nghi lễ Then các cuộc Liên hoan hát Then - đàn Tính cũng được tổ chức liên tục, và sắp tới đây từ ngày 12-14/5, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung – Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Liên hoan được tổ chức với mục đích tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã bao đời gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày-Nùng-Thái trên khắp mọi miền tổ quốc; góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các vùng có nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Đây cũng là hoạt động đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại, gắn hoạt động văn hóa với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố. Đồng thời giới thiệu được nhiều làn điệu Then và các hình thức hát Then, múa Then, tấu Then đến với nhân dân trong cả nước cũng như bạn bè quốc tế.
Để bảo tồn nghi lễ Then, các cuộc Liên hoan hát Then - đàn Tính cũng được tổ chức liên tục. Ảnh minh họa. |
Nghi lễ Then là một trong những loại hình văn hóa mà trong đó hội tụ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống khác nhau, như thơ ca dân gian, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật trang trí, cho đến các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian nên từ lâu Then đã được coi là một loại sản phẩm văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nghi lễ then ra đời và phát triển cùng với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Tà, Nùng, Thái, nó có mối gắn bó mật thiết với đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Bởi vậy, nghi lễ then đã trở thành một loại hình di sản văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị của nghi lễ Then hiện nay là việc làm hết sức cấp thiết, nhất là khi các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao nói chung và Then của người Tày, Nùng, Thái nói riêng đang có nguy cơ bị mai một trước sự tác động của quá trình hiện đại hóa, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa. Góp phần gìn giữa và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, và nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái nói riêng đang là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa theo đúng tinh thần Nghị Quyết 33/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương.