(Tổ Quốc) - Ngày 18/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên năm 2023 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hưng Yên phối hợp với doanh nghiệp du lịch Hà Nội tổ chức.
Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên năm 2023 được tổ chức nhằm đánh giá, khai thác hợp lý các tiềm năng du lịch của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong vùng; xác định, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, phù hợp với thị trường khách du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết, hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 1802 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có những chuyển biến tích cực.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, các hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch được đẩy mạnh, các quy hoạch, dự án phát triển du lịch được tập trung xây dựng và triển khai thực hiện; công tác quảng bá xúc tiến được tăng cường; nguồn nhân lực du lịch ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng... Các khu, điểm du lịch được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đến nay đã đưa vào khai thác một số điểm phục vụ khách du lịch như: Khu Du lịch Phố Hiến, điểm du lịch đền Đậu An, đền Đa Hòa, đền Phù Ủng, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt… Đã hình thành một số tour, tuyến du lịch với những sản phẩm hấp dẫn được các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác để phục vụ du khách.
Với sự nỗ lực của toàn ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy du lịch Hưng Yên phát triển. Lượng du khách đến Hưng Yên tăng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10% -15%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Hưng Yên đón khoảng 400.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 3.000 lượt.
Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp có chung phản ánh, hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí Hưng Yên không nhiều đã gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch khi đưa số lượng lớn du khách về trong cùng một thời điểm. Nhìn từ tổng thể, tài nguyên du lịch Hưng Yên khá tương đồng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nên chưa có sản phẩm đặc trưng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa chuyên nghiệp, công tác truyền thông, quảng bá chưa có đủ sức hấp dẫn du khách. Ngoài ra du lịch Hưng Yên vẫn chưa kết nối được với các tỉnh, thành phố trong khu vực để hình thành các tour, tuyến du lịch ngoại tỉnh.
Để ngành du lịch Hưng Yên thu hút du khách, thời gian tới địa phương cần phát triển thêm các sản phẩm đặc thù. Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Nguyễn Thị Thu Hạnh cho rằng, tỉnh Hưng Yên có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP, do đó có thể xây dựng các món ăn riêng đặc trưng để thu hút du khách trải nghiệm ẩm thực. Tại mỗi khu, điểm du lịch cần tổ chức các gian hàng, quầy bán sản vật, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Hưng Yên… để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và phát triển kinh tế địa phương.
Đến tham dự hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã ghi nhận và đánh giá những kết quả đạt được của ngành du lịch tỉnh Hưng Yên trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, để giúp tỉnh Hưng Yến khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Hưng Yên phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và có vị trí quan trọng trong khu vực nói riêng, cả nước nói chung, Phó Tổng cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị: Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch Hưng Yên cần ưu tiên phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách như: Du lịch văn hóa – lịch sử gắn với các di sản văn hóa quốc gia; Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn;…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Hưng Yên cần phải tập trung khai thác tốt thị trường khách nội địa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, coi xúc tiến du lịch là một trong những kênh đầu tư quan trọng thúc đẩy du lịch của tỉnh. Cần quan tấm đến xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động có tay nghề tại địa phương.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác các tỉnh trong khu vực và với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… các trung tâm du lịch lớn, doanh nghiệp lữ hành,.. để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với Sở, ban, ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch nhất là vào mùa cao điểm du lịch nội địa. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, góp phần nâng cao các nhóm chỉ số về y tế và vệ sinh môi trường kinh doanh du lịch của điểm đến.
Trong khuôn khổ hội nghị, còn diễn ra lễ ký kết cung ứng chuỗi dịch vụ du lịch giữ Câu lạc bộ lữ hành UNESCO, Hiệp hội Du lịch Hưng Yên và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch. Đặc biệt, vào tối ngày 18/8, còn diễn ra lễ khai mạc sự kiện "Không gian văn hóa du lịch Hưng Yên – hành trình khám phá, lan tỏa"./.