• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây

Du lịch 11/08/2017 06:40

(Tổ Quốc) - Đó là một trong những nội dung được đưa ra bàn luận trong Hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây” được tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

Chiều 10/8, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”. Đây là hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn, tăng cường hợp tác và phát triển dịch vụ cho các quốc gia nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây trong thời gian tới.

Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là dự án nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn quốc gia Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch, có chiều dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố của bốn quốc gia.

Trên lãnh thổ Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) và kết thúc tại cảng biển Tiên Sa (TP. Đà Nẵng). Đây là tuyến hành lang kinh tế có nhiều triển vọng phát triển nhất khu vực miền Trung.

 Toàn cảnh buổi hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”.

Hành lang kinh tế Đông Tây có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dịch vụ giữa các quốc gia. Trong thời gian qua, hợp tác kinh tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông Tây đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế. Sự quan tâm của của các địa phương trên tuyến hành lang và các doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra những kết quả rất đáng ghi nhận thể hiện trên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, du lịch và xóa xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn.

Với những lợi thế của mình, hành lang kinh tế Đông Tây đã và đang trở thành một hành lang không biên giới với rất nhiều cơ hội phát triển. Triển vọng hợp tác kinh tế giữa các nước nằm trong hình lang kinh tế này ngày càng tăng và phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên bên cạnh hiệu quả đã đạt được thì để hành lang kinh tế Đông Tây phát triển được như tên gọi của nó vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Từ thực tế này, buổi hội thảo đã đưa ra và thảo luận nhiều hướng giải pháp nhằm tăng cường hợp tác và phát triển như: tăng cường sự hợp tác kinh tế và phát triển về thương mại, dịch vụ giữa các quốc gia liên quan trên tuyến. Có cơ chế chính sách thích hợp, tạo điều kiện và hỗ trợ các địa phương trên hành lang;

Trong thời gian tới cần có quy hoạch tổng thể về phát triển thương mại, dịch vụ của mỗi quốc gia cũng như từng địa phương. Trên cơ sở đó để Chính phủ của các quốc gia cần có chính sách về cơ sở hạ tầng nhất là giao thông đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu của các phương tiện qua lại trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; Đẩy mạnh các chương trình tiếp xúc thương mại, xúc tiến các thị trường trọng điểm của từng quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của từng quốc gia, địa phương.

Cần tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nhằm không ngừng cũng cố và mở rộng thị trường một cách bền vững, ổn định. Từng bước hình thành các tập đoàn thương mại đa quốc gia của các khu vực, trên cơ sở đó vừa phát triển mạng lưới kinh doanh tại các nước trong khu vực; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong ngành thương mại dịch vụ, nhất là các kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh, công nghệ kinh doanh, về thị trường, về phát triển thương hiệu,..

 Đại diện Viện Mê Kông đưa ra sáng kiến của Viện Mê Kông trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.

Đối với hợp tác phát triển du lịch, hội thảo đánh giá đây là một trong những lĩnh vực rất được quan tâm trong quá trình đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Đặc biệt với xu thế du lịch nội vùng ngày càng gia tăng thì việc hình thành của các hành lang giao thông và theo đó là các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, xuyên lục địa đã và đang tạo điều kiện cơ bản thúc đẩy sự gia tăng của xu hướng du lịch này.

Như là một hợp phần quan trọng trong chiến lược của hành lang kinh tế Đông Tây, phát triển du lịch thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và phát triển kinh tế. Để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới thì cần phải tăng cường hơn nữa xây dựng, kêu gọi hợp tác, đầu tư quốc tế đối với các dự án du lịch tập trung; huy động các các chuyên gia quốc tế để giảng dạy và hỗ trợ xây dựng các tài liệu đào tạo về các tiêu chuẩn cơ bản, dịch vụ khách hàng, bán các sản phẩm giá trị gia tăng và tiếp thị với chi phí thấp; đào tạo hướng dẫn viên tại các địa phương,..

Những đề xuất, giải pháp tại hội thảo đã nhận được sự quan tâm, thảo luận rất sôi nổi của các tổ chức, đơn vị liên quan. Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trong hội thảo sẽ được ban tổ chức tổng hợp lại để đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ.

Đ. Hoàng – T. Trung

Đức Hoàng - Thê Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ