• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐB Quốc hội đề nghị "đãi ngộ tương xứng" cho thẩm phán

Thời sự 30/03/2021 13:09

(Tổ Quốc) - Sáng nay (30/3), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Không được bàng quan trước "tiếng kêu" của nhân dân

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhất trí rất cao về báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu một số vấn đề còn băn khoăn và đóng góp ý kiến để hoạt động tư pháp này càng tốt hơn.

ĐBQH đề nghị "đãi ngộ tương xứng" cho thẩm phán, kiểm sát viên để người vô tội chắc chắn được công lý bảo vệ - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre).

Về nội dung "xác định tỷ lệ oan sai", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: "Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,0001% oan sai thì sẽ như thế nào? Tỷ lệ này ảnh hưởng tới tâm lý. Nếu không khắc phục rất nguy hiểm". 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, cần phải nâng cao chế độ lương cho những thẩm phán. "Lương nghị sĩ Quốc hội, của Bộ trưởng Australia là 65 nghìn đô/năm nhưng lương thẩm phán cấp huyện là 75 nghìn đô/năm, lương của thẩm phán cấp cao là 100 nghìn đô/năm. Nêu lên như vậy để chúng ta thấy chế độ lương thưởng của các thẩm phán trên thế giới thế nào?", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cuối cùng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao, Ban dân nguyện dành thời gian cho những vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp để xác định trách nhiệm chủ thể liên quan.

"Không được bàng quan trước tiếng kêu cứu của nhân dân. Cần quán triệt không được có thái độ tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cứ bắt là có tội, cứ xử là phải có tội. Làm sao để tư pháp là hộ pháp của nền kinh tế, toà án là hiện thân của công lý, chỗ dựa của công bằng, viện kiểm sát phải khẳng định vai trò khớp nối đầu vào và đầu ra của hệ thống tư pháp, bánh răng trung chuyển công bằng, khách quan. Đủ bản lĩnh để bánh xe tư pháp không chệch khỏi đường ray công lý, công bằng", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

ĐBQH đề nghị "đãi ngộ tương xứng" cho thẩm phán, kiểm sát viên để người vô tội chắc chắn được công lý bảo vệ - Ảnh 2.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác tư pháp. Trong đó, cần nâng cao chất lượng, kỹ năng công tác, kiến thức xã hội, đặc biệt là sự liêm chính và ý thức về lẽ công bằng đối với cán bộ hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống tội phạm ma túy bởi từ tội phạm này có thể nảy sinh rất nhiều loại tội phạm khác.

"Cần có đề án đưa các chức danh tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... trải nghiệm tại các phòng tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để thấu hiểu nhân dân hơn", đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Nếu thẩm phán, kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng thì người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua có đóng góp không nhỏ của hoạt động xét xử, kiểm sát của các lực lượng bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội và bình yên cho nhân dân.

ĐBQH đề nghị "đãi ngộ tương xứng" cho thẩm phán, kiểm sát viên để người vô tội chắc chắn được công lý bảo vệ - Ảnh 3.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM)

Dù vậy, đại biểu này cũng bày tỏ băn khoăn về thu nhập của thẩm phán, kiểm sát viên. "Nhìn thẳng thực tế, theo kinh nghiệm của các nước, kể cả ông cha ta, để giữ liêm chính hiệu quả nhất thì cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện cá nhân, nhà nước cũng cần phải đảm bảo thu nhập cho họ ít nhất ở mức trung bình" - đại biểu đoàn TP.HCM nói. 

"Năm 1986, GDP đầu người của Việt Nam gần 100 USD/năm, đến năm 2020 là khoảng 3.500 USD/năm, thử hỏi lương của thẩm phán, kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa?" - luật sư Trương Trọng Nghĩa trăn trở.

"Nếu thẩm phán, kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng thì cùng với việc thi tuyển, thải loại nghiêm ngặt, tôi tin cử tri và nhân dân sẽ có được những điều họ luôn mong ước, đó là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ dù họ giàu hay nghèo.

Công lý khi đó không bao giờ là đối tượng mua bán. Khi đó người dân không phải xem phim Bao Công của Trung Quốc bởi vì có những quan tòa thanh liêm bằng xương bằng thịt trong mỗi phiên tòa ở Việt Nam" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

ĐBQH đề nghị "đãi ngộ tương xứng" cho thẩm phán, kiểm sát viên để người vô tội chắc chắn được công lý bảo vệ - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)

Đánh giá về giai đoạn vừa qua, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm và vi phạm pháp luật khi tổng số các vụ án được giải quyết trong nhiệm kỳ tăng 34%, nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng với quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hầu hết các vụ án đã được đưa ra xét xử đúng thời hạn, đúng pháp luật và nghiêm minh.

Theo đó, quyền con người, quyền công dân đã được bảo vệ tốt hơn; tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng được thể hiện rõ nét; tiệm cận với nhiều nội dung tiến độ của nền tư pháp quốc tế và các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án.

"Những thành tựu trong nhiệm kỳ đã thể hiện nỗ lực lớn của các cơ quan tư pháp trong điều kiện án tăng mạnh về số lượng, tính phức tạp trong khi các cơ quan tư pháp phải giảm biên chế theo yêu cầu", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ