(Tổ Quốc) - Sáng nay (26/3), Quốc hội tiến hành phiên thảo luận hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội cùng các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Là người thứ hai phát biểu, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) bày tỏ đồng tình rất cao và thể hiện niềm tự hào là Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã làm "tròn vai" của ĐBQH trước nhân dân với những quyết sách, kết quả đã được thể hiện trong báo cáo.
Đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật, ĐB Nguyễn Mai Bộ khẳng định, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên tắc để con người trở thành một công dân tốt cho đất nước, xã hội. Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, và ngày càng tốt đẹp hơn.
"Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật. Pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật" - ĐB Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.
Theo quan điểm của vị ĐB đoàn An Giang, nếu có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Các văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật mà các kỳ Quốc hội trước đã kỳ công ban hành. Đồng thời, không quy định thô thiển lợi ích của một số bộ, ngành đặc biệt là những bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật.
Vị ĐB này cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật "nhiều khuyết tật".
Cụ thể, khuyết tật thứ nhất đó là chồng chéo với các dự án luật mà các kỳ họp của Quốc hội khóa trước đã ban hành. Khuyết tật thứ hai là dự luật đó sẽ trở thành công cụ của cơ quan soạn hảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình hoặc xung đột với lợi ích của nhân dân... Khuyết tật thứ ba là Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.
Sơ hở dẫn đến "lọt lưới" những chính sách không phù hợp
Cùng nói về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật vẫn còn nhiều sơ hở, kéo theo đó là một số dự án chất lượng chưa cao, để "lọt lưới" những chính sách không phù hợp và có dấu hiệu của "lobby" không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.
Ngoài ra, năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý, từ đó dẫn tới việc bấm nút thông qua luật theo cảm tính chứ chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm và trách nhiệm xây dựng luật pháp trước nhân dân.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong công tác giám sát, ngay kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Quốc hội phải coi trọng giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát trong cả nhiệm kỳ Quốc hội.
Cơ quan của Quốc hội và Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban đã đi vào những vấn đề trọng yếu của đất nước, của lĩnh vực ngành mà cử tri quan tâm.
Tuy nhiên, công tác giám sát vẫn chưa toàn diện, vẫn còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ. Ví như lĩnh vực dân tộc thiểu số miền núi chưa được Quốc hội giám sát tối cao làm cơ sở hoạch định chính sách pháp luật tương xứng vị trí, vai trò tiềm năng cũng như sự tổn thương của khu vực dân tộc miền núi. Trong khi đó, các giám sát bậc thấp không thể bao quát và giúp Quốc hội đánh giá đầy đủ nhất về vấn đề này.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng phản ánh, giám sát cá nhân của một số đại biểu Quốc hội còn chưa được thực hiện nhiều, có đại biểu Quốc hội không thực hiện đúng quy định của pháp luật về giám sát và nhầm lẫn trong thực hiện vai trò đại biểu. Ở lĩnh vực này, chưa có cơ chế xác định bổn phận trách nhiệm cũng như điều kiện đảm bảo thực hiện giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội. Đồng thời, còn thiếu cơ chế xác định trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong giám sát các vấn đề của chính địa phương và khu vực bầu cử.
Từ những vấn đề trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước.
Quốc hội cần xây dựng là một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ đoàn kết của quốc gia dân tộc Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và nhân dân./.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội): "Điều vui nhất đối với các đại biểu Quốc hội chúng tôi là được tự do thể hiện chính kiến của mình. Tại diễn đàn này, dù đại biểu ở cương vị nào cũng có thể chất vấn Bộ trưởng, đại biểu là người về hưu cũng có thể chất vấn Thủ tướng Chính phủ".
ĐBQH Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội): "Đề nghị dự thảo báo cáo cần nhấn mạnh việc tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ, phát huy tính "vượt trước" của đại biểu Quốc hội với những vấn đề có tầm chiến lược, vĩ mô của đất nước".
ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum): Nhiệm kỳ qua Quốc hội đã thể chế hóa kịp thời đường lối mới, quan điểm, chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập pháp. Bên cạnh đó, Quốc hội đã đáp ứng, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà thực tiễn đời sống, xã hội đặt ra. Quốc hội cũng tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp, hình sự.
“Những quy định pháp lý đó không chỉ tương thích với luật pháp quốc tế mà còn phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta cũng như điều kiện thực tiễn của đất nước. Thể chế pháp lý đó cũng là kênh quan trọng trong việc trả lời và chứng minh cho cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đã và đang giải quyết tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân luôn được bảo vệ”.