• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐB Quốc hội: Phải làm sao cho các em đi học sớm nhất để giảm bớt "sang chấn" tâm lý

Giáo dục 25/10/2021 19:47

(Tổ Quốc) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay (25/10), ĐBQH Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để học sinh được nhanh chóng đến trường thì vấn đề đầu tiên vẫn là vắc xin. Các em phải được tiêm vắc xin thì mới đảm bảo được.

ĐB Quốc hội: Phải làm sao cho các em đi học sớm nhất để giảm bớt sang chấn tâm lý - Ảnh 1.

ĐBQH Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với báo chí chiều 25/10.

- Hiện nay, vấn đề làm sao để học sinh quay trở lại trường an toàn nhận được sự quan tâm xã hội. Chúng ta cũng đã mở cửa, thích ứng an toàn với dịch, vậy làm thế nào để học sinh đến trường an toàn thưa đại biểu?

+ Trước đây, chiến lược phòng chống dịch của chúng ta theo đuổi mục tiêu "Zero F0" thì nay đã thay đổi là "sống chung, thích ứng an toàn". Khi thích ứng an toàn thì đòi hỏi phải có những thay đổi.

Đối với trẻ em, trước hết chúng ta phải tổng kết, đánh giá trong một môi trường mới để thích ứng thì hiệu quả của tác động đến đâu. Khi thực hiện "mục tiêu kép" thì sức khỏe của con người vẫn là điều trên hết.

Chưa bàn đến chuyện tác hại nhất định của việc học trực tuyến như sang chấn tâm lý… nhưng việc học trực tuyến đảm bảo duy trì được việc học tập của các em liên tục. Tôi cho rằng, để học sinh được nhanh chóng trở lại trường thì vấn đề đầu tiên phải là vắc xin, các em phải được tiêm vắc xin thì mới đảm bảo được. Bởi, môi trường lớp học cũng rất dễ lây lan.

Song song với đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin cho thì cần có những giải pháp: 5K, học giãn cách có thể một lớp học chia thành 2 ca…

Nên chăng chúng ta cần xây dựng một quy trình chuẩn trong nhà trường đối với việc phát hiện F0 thì sẽ xử lý như thế nào.

Dịch bệnh không có vùng, không có địa giới hành chính, hôm nay là "vùng xanh nhưng mai có thể không còn "xanh" nữa nếu có ca nhiễm. Vì thế, phải làm sao để các em đi học sớm nhất, giảm bớt sang chấn tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, tương tác giữa thầy trò…

-Theo quan điểm của đại biểu, để mở cửa trường học, cho trẻ đến trường thì phải tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, Bộ Y tế hiện chỉ đưa ra thông tin là triển khai tiêm vắc-xin vào cuối tháng 10, lộ trình như thế nào thì lại do địa phương quyết định, khiến địa phương bị động, lúng túng… Vậy, vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề này như thế nào thưa đại biểu?

+ Vai trò của Bộ Y tế trong bảo vệ sức khỏe của nhân dân rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phòng chống dịch thì phải có những sở chỉ huy, có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Theo tôi được biết, chúng ta đã rất nỗ lực nhằm có được nguồn vắc xin để tiêm miễn phí cho người dân trong thời gian qua. Thời gian tới, trước khi nguồn vắc xin có đủ để tiêm cho trẻ em theo kế hoạch thì các địa phương cần lên phương án cụ thể theo hướng dẫn và chỉ đạo từ ngành y tế.

-Trẻ em là đối tượng đặc thù, vì thế, khi tiêm vắc xin cho trẻ em thì phụ huynh cũng rất bị "tâm lý". Là ĐBQH, ông có kiến nghị gì trong việc minh bạch thông tin?

+ Hiện nay, vắc xin nào có thể tiêm cho trẻ em thì chủ yếu phải dựa vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chính vì vậy, tôi cho rằng khi triển khai tiêm cũng cần phải có giải pháp, quy trình, cần đẩy nhanh tiến độ.

-Xin cảm ơn đại biểu!

Nên tiếp tục học trực tuyến khi chưa có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào sáng 25/10, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, cần có lộ trình tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi, việc tổ chức này phải dựa trên yếu tố khoa học, điều kiện xã hội. Khi ta đã tiêm đủ cho các đối tượng được ưu tiên theo đúng hướng dẫn thì tính đến tiêm cho những người trẻ, những người đầu tiên nên tiêm là 16-18 tuổi, tức là học sinh cấp 3.

Lý do nên tiêm là những người trẻ ở độ tuổi này cơ thể phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh không khác người trẻ trên 18 tuổi, nguy cơ bệnh nặng cũng là tương đương. Với việc tiêm cho trẻ cấp 2, tức là từ 12 tuổi trở lên thì chúng ta nên ưu tiên tiêm cho những đối tượng có yếu tố nguy cơ, bị bệnh béo phì hoặc có bệnh nền.

Về vấn đề cho học sinh trở lại trường, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm, trong giai đoạn này khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vắc xin thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ