• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Cần điều tra, xử lý hành vi đưa thông tin không chính xác về dự án du lịch, bến xe, bệnh viện để thổi giá đất

Thời sự 28/10/2024 16:01

(Tổ Quốc) - Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cần điều tra, xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác về đầu tư các dự án du lịch, bến xe, bệnh viện... nhằm nâng giá giao dịch bất động sản, đầu cơ kiếm lời, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường bất động sản, thị trường tín dụng.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023". 

Chưa có quy định thống nhất về tỷ lệ đất để xây dựng nhà ở xã hội và căn hộ cao cấp dành cho dịch vụ du lịch

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát. 

Đánh giá chung cho giai đoạn 2015- 2023, đại biểu cho rằng, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã tạo hành lang pháp lý vững chắc đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế…

Cụ thể, các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường. Một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về kinh doanh bất động sản và các quy định liên quan như pháp luật về đất đai, nhà ở… 

Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản còn thiếu, chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý. Tình trạng kê khai giá chuyển nhượng đất đai thấp hơn giá thực tế để trốn thuế vẫn còn phổ biến. Các quy định về điều kiện đối với người thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và quy trình đầu tư đất đai để phát triển nhà ở xã hội còn những bất cập…

ĐBQH: Cần điều tra, xử lý hành vi đưa thông tin không chính xác về dự án du lịch, bến xe, bệnh viện để thổi giá đất - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do tính dự báo về tình hình thị trường và khả năng đánh giá, phân tích các quy định pháp luật của đội ngũ cán bộ tham mưu chưa toàn diện. 

Cơ cấu bất động sản chưa phù hợp, chưa có quy định thống nhất về tỷ lệ đất để xây dựng nhà ở xã hội và căn hộ cao cấp dành cho dịch vụ du lịch. Việc triển khai giám sát, kê khai giá khi công chứng và giá giao dịch bất động sản thực tế rất khó khăn.

Từ những vấn đề nêu trên, kiến nghị một số nhóm giải pháp:

Thứ nhất, đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về thể chế trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Thứ hai, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản, công khai, dễ tiếp cận để người dân nắm rõ giá đất tại các khu vực, các khu vực thuộc quy hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng thổi giá đầu cơ của các chủ đầu tư và môi giới bất động sản. 

"Cần giao cơ quan điều tra phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác như đưa tin về khu vực đó sẽ được đầu tư du lịch, bến xe, bệnh viện, v.v. nhằm nâng giá giao dịch bất động sản, đầu cơ kiếm lời, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, từ đó có tác dụng răn đe, hạn chế và triệt tiêu tình trạng này", đại biểu đề nghị.

Thứ ba, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Xây dựng theo chức năng, thẩm quyền tham mưu ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ đối với các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, đảm bảo vấn đề chất lượng nhà ở, giá bán...

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, rà soát khó khăn, vướng mắc, nhất là các nội dung liên quan đến chính sách ưu đãi tín dụng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 338 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội giao việc xây dựng nhà cho cán bộ, chiến sĩ cho lực lượng vũ trang.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở xã hội

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá, số lượng dự án nhà ở xã hội và số dự án nhà ở xã hội còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở của người dân trong cả nước. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều tỉnh, thành phố chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội và việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất là 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Đại biểu cho biết, nhiều nhà đầu tư cho rằng dù đã có chính sách ưu đãi của nhà nước nhưng chính sách lại chưa thực sự khuyến khích, thu hút nhà đầu tư khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng đãi ngộ nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.

ĐBQH: Cần điều tra, xử lý hành vi đưa thông tin không chính xác về dự án du lịch, bến xe, bệnh viện để thổi giá đất - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu nhận thấy, thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội rất phức tạp và có nhiều loại thủ tục hơn so với các dự án nhà ở thương mại. Mặt khác, nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…

Vì vậy, đại biểu cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý và nhà ở xã hội. Theo đó sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay, tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại phải trải qua "rừng thủ tục".

Cùng với đó, Ngân hàng chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn 10-20 năm, lãi suất ưu đãi từ 3-5%.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách./.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ