• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá

Thời sự 31/10/2023 17:02

(Tổ Quốc) - Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, quá trình lãnh đạo quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu nhiệm vụ phát triển văn hoá, xem văn hoá là cái đuôi, cái bóng lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế. Xem nhiệm vụ phát triển văn hoá chưa mang tính cấp thiết, "không phát triển cũng chẳng chết ai".

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Loại bỏ suy nghĩ đầu tư cho văn hóa không có lợi nhuận, "không phát triển cũng chẳng chết ai"

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, bước vào năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một số thành tích nổi bật như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra… Đối ngoại tiếp tục có kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm; áp lực giải ngân vốn đầu tư công chậm… Tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân. Bày tỏ thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đại biểu đề nghị quan tâm cải thiện, tăng năng xuất lao động, là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

ĐBQH: Cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Liên quan đến vấn đề phát triển văn hoá, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước lo lắng trước việc nổi lên nhiều vụ án mạng nghiêm trọng, hành xử dã man chỉ vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống. Môi trường văn hoá, thuần phong mỹ tục bị xâm hại, một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội xuống cấp về đạo đức, lối sống. Mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin xấu độc trên mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã làm gia tăng tội phạm và nhiều hiện tượng xã hội đáng quan tâm khác.

Theo đại biểu, đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh, song đến nay dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa kiểm soát tốt, thậm chí có mặt còn gia tăng.

Hiện nay chúng ta đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế được đề cập đầy đủ, rõ ràng nhưng có nơi, có lúc tính chất phát triển hài hòa chưa thực sự hiệu quả. Phát triển văn hóa còn chậm so với phát triển kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả trong xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam.

Cử tri cho rằng, việc phát triển kinh tế chưa phát triển với phát triển văn hoá, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực phát triển văn hóa trong xây dựng con người và phát triển kinh tế xã hội, mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác.

ĐBQH: Cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 31/10

Cũng theo đại biểu, quá trình lãnh đạo quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu nhiệm vụ phát triển văn hoá, xem văn hóa là cái đuôi, cái bóng lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế. Xem nhiệm vụ phát triển văn hóa chưa mang tính cấp thiết, "không phát triển cũng chẳng chết ai". Đầu tư cho văn hóa không có lợi nhuận.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm phát triển văn hoá, thì cũng tự đánh mất mình và phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì.

"Do đó, văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước, kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất, nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách khỏi sự nâng đỡ của văn hoá, không để mục tiêu phát triển kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hoá. Văn hóa phải đi cùng và đi ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển", đại biểu nhấn mạnh.

Cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhận định, 9 tháng năm 2023 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức như trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. Ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia, lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có nhiều cố gắng đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra…

ĐBQH: Cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất kiến nghị một số giải pháp.

Trong đó, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm miễn nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và tài nguyên được ngay.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương có giải pháp quyết liệt kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án; việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm. Tiếp tục có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản để giải phóng được nguồn lực từ các dự án bất động sản. Có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền để bảo đảm thanh khoản tốt giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn. Tiếp tục có giải pháp thấu kính khó khăn để đẩy nhanh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. Đẩy nhanh hơn tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021- 2030 theo tiến độ và yêu cầu đề ra, tháo gỡ việc không thống nhất giữa các quy hoạch ở khu vực dự án.

ĐBQH: Cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa - Ảnh 4.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận chiều 31/10

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển công ngành công nghiệp cơ khí.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu các chính sách và giải pháp đột phá, đồng bộ tương ứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nghiên cứu để trình Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết riêng để thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, về tín dụng thủ tục hành chính để đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp, nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng của thế giới, đáp ứng nhu cầu sản xuất xe điện trong nước và xuất khẩu, có lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. Quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ các trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng gia tăng, bắt kịp xu thế của khu vực và trên thế giới.




Xuân Trường - Thế Công

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

NỔI BẬT TRANG CHỦ