(Tổ Quốc) - Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Một số thiết chế lịch sử, văn hóa tiêu biểu thật sự thiếu thốn
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ đồng tình với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc.
Qua thực tế tham gia giám sát Chương trình ở một số địa phương, đại biểu cho rằng khi triển khai thực hiện Chương trình, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, một số trường phổ thông dân tộc nội trú, một số thiết chế lịch sử, văn hóa tiêu biểu, y tế tuyến huyện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình còn rất nhiều khó khăn, thật sự thiếu thốn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước.
Tuy nhiên, do một số cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình (do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), dẫn đến một số khó khăn trong bố trí vốn.
Việc bổ sung các đối tượng là đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, các trường dân tộc nội trú, một số di tích quốc gia, trung tâm y tế có trụ sở đóng ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cần thiết theo tinh thần các văn kiện của Trung ương và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Đại biểu nhất trí về nguyên tắc điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình theo đề nghị của Chính phủ, theo đó nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành.
"Tôi cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình và phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình ở mức cao nhất theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội", đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu.
Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ nhất trí với danh mục và dự kiến nhu cầu đầu tư do Ủy ban Dân tộc phối hợp với các các bộ, ngành liên quan rà soát, thuộc 4 nhóm, bao gồm:
Đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực công tác dân tộc; các trường phổ thông dân tộc nội trú; Trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, nằm ngoài địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.142,805 tỷ đồng.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ và các cơ quan chủ trì Chương trình hết sức chú ý tới tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình cũng như tiến độ giải ngân vì thời gian của kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn lại rất ít, trong khi đó tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu và giải ngân các nguồn vốn chưa tương xứng.
Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ ngày 22/05/2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) mới chỉ đạt 77% kế hoạch; vốn sự nghiệp (bao gồm cả vốn sự nghiệp của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 28% kế hoạch, còn 3 tháng đầu năm 2024 vốn đầu tư công giải ngân đạt 14% kế hoạch và vốn sự nghiệp mới chỉ giải ngân được 1% kế hoạch.
Ước thực hiện đến hết tháng 4 năm 2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt 21% kế hoạch.
"Đây là những con số hết sức đang lo ngại", đại biểu bày tỏ.
Từ thực tế nắm bắt tình hình ở cơ sở, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng còn vấn đề về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giải quyết thấu đáo, trong khi một số định mức khá lạc hậu với mặt bằng giá cả, chưa phù hợp với yếu tố vùng miền mà các địa phương đã nhiều lần kiến nghị. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa vấn đề này.
"Cuối cùng, tôi cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải tục phân cấp mạnh mẽ cho địa phương tự quyết định trong tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ cho các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, từng năm cũng như trung hạn 5 năm.
Nhất là khi các chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia là nhằm chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, nguồn nước và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ gìn tấc đất biên cương của tổ quốc, phát triển kinh tế biên mậu, là cửa ngõ giao thương với các nước láng giềng ở những địa bàn khó khăn", đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu.
Cần phải điều chỉnh đối tượng, phạm vi, nội dung và chỉ tiêu cụ thể
Phát biểu thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, từ những phản ánh của cử tri và nhân dân, trong thực tiễn triển khai Chương trình phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh đối tượng, phạm vi, nội dung và chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung dự án thành phần thuộc Chương trình.
Góp ý liên quan đến nội dung Chính phủ trình Quốc hội điều chính chủ trương đầu tư chương trình, đại biểu cho rằng, cần bổ sung các danh mục: Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện tại một số địa phương.
Theo đại biểu, các trường đạo tạo này là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở công lập giáo dục nghề nghiệp có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề theo quy định. Đây là các đối tượng được thực hiện tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Tuy nhiên, địa điểm của Trường Cao đẳng và trụ sở của các trung tâm này không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Tờ trình số 190 ngày 24/4/2024 của Chính phủ chưa có danh mục này nên đề nghị bổ sung các danh mục, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng thực hiện chương trình theo chức năng (không bắt buộc theo đúng tên gọi). Theo đại biểu, hiện nay, trong Dự thảo bước 1 chưa có nội dung điều chỉnh tên đối tượng thực hiện tiểu dự án thuộc Dự án 5 thuộc Chương trình.
"Việc giải quyết về vướng mắc do địa điểm, tên gọi đối tượng thực hiện Chương trình sẽ tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, không làm phát sinh nhu cầu vốn của Chương trình ở tỉnh", đại biểu cho hay.
Bên cạnh đó, đại biểu Sùng A Lềnh cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến quy định về quản lý thực hiện chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành chức năng.